Ngày 16-4, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị sơ kết hai năm chương trình hợp tác giữa trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công thương và UBND cùng các sở, ngành 21 tỉnh, thành phía Nam.
Là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, với sản lượng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong cả nước, hai năm qua, tình hình xúc tiến thương mại – đầu tư (XTTM – ĐT) tại khu vực phía Nam diễn ra khá sôi động. Qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tăng cường đầu ra và quảng bá sản phẩm VN đến thị trường quốc tế, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong cả nước; đồng thời góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực phía Nam dẫn đầu cả nước. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2015, cả nước có 2.120 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 16,34 tỷ USD. Trong đó TP.HCM dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp là Trà Vinh, Bình Dương, Đồng Nai…
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM-ĐT TP.HCM (ITPC) – thì : Công tác XTTM-ĐT chưa đạt như kỳ vọng, chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong thu hút đầu tư đúng trọng tâm, cũng như tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đầu tư công nghệ cải tiến sản phẩm, bao bì, mẫu mã nên sức thu hút của sản phẩm VN chưa vượt trội so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Bên cạnh đó là thủ tục hành chính chưa thực sự minh bạch, môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao.
Từ thực tế này, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho rằng: “Trong bối cảnh hiệp định thương mại tự do ngày càng nhiều, cần định hướng xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi giá trị gia tăng, ổn định, bền vững. Cần khảo sát, nghiên cứu, định hướng sản xuất, xác định thế mạnh để có vận động về chính sách, xây dựng thương hiệu, kêu gọi nhà đầu tư. Các trung tâm XTTM-ĐT cần tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo và các sở ban ngành cho hoạt động. Còn các doanh nghiệp cần đảm bảo theo yêu cầu về truy cứu nguồn gốc hàng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta cần tạo ra thương hiệu VN là nơi sản xuất hàng nông sản tốt nhất khu vực”.
Ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng: “Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi các địa phương, các doanh nghiệp phải liên kết để tồn tại và phát triển. TP.HCM có 75 dự án trị giá trên 28.000 tỷ đồng, và đã ký kết 1.040 hợp đồng trị giá trên 20.000 tỷ đồng đầu tư vào các tỉnh phía Nam. Nhưng để liên kết hiệu quả hơn, năm 2016, chúng ta có thể lấy mục tiêu an toàn thực phẩm làm chủ đề. Để gần 10 triệu dân của TP.HCM được sử dụng sản phẩm sạch, với tư cách lãnh đạo TP tôi ủng hộ các hoạt động thuộc lĩnh vực này. Chẳng hạn, tháng 6 tới, tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị về sản xuất nông sản sạch, TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ hội nghị và nhận tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta cần liên kết để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp ĐBSCL khi gia nhập TPP. Ngoài ra cũng cần có biện pháp giảm tầng nấc trung gian, thực hiện kết nối trong tiêu thụ hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh và ngược lại”.
Đan Phượng
Bình luận (0)