Hội nhậpThế giới 24h

Dân số Ấn Độ sắp vượt Trung Quốc – đã đạt đỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đang sẵn sàng vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Sự thay đổi này đánh dấu cột mốc quan trọng với quốc gia Nam Á này và có tác động sâu rộng với nền kinh tế, xã hội và ảnh hưởng toàn cầu của Ấn Độ.
Những người phụ nữ thắp đèn vào đêm trước lễ hội ánh sáng Diwali ở Bhopal, Ấn Độ năm 2022.
2,8 tỉ người sống ở đâu?
Dân số Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần từ 350 triệu người năm 1950 lên ước tính 1,43 tỉ người ngày nay. Trong khi đó, dân số Trung Quốc đạt đỉnh 1,42 tỉ vào năm 2021 và đang giảm dần.
Ấn Độ và Trung Quốc có tổng dân số 2,8 tỉ người. Điều đó có nghĩa là cứ 3 người trên thế giới có 1 đến từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Để dễ hình dung hơn, điều này có nghĩa là có nhiều người ở Ấn Độ và Trung Quốc hơn 19 quốc gia đông dân tiếp theo trên thế giới cộng lại.
Khu vực phía đông của Trung Quốc, nơi giàu tài nguyên nông nghiệp, là nơi sinh sống của hơn 90% dân số cả nước. Trong khi đó, ở nước láng giềng Ấn Độ, có diện tích bằng khoảng 1/3 Trung Quốc về lãnh thổ, hầu hết cư dân tập trung ở phía bắc đất nước.
Đã hơn 11 năm kể từ khi Ấn Độ mở cuộc điều tra dân số lần gần nhất, khiến việc biết dân số chính xác của nước này khá khó khăn. Năm 2011, quốc gia Nam Á này có 27 thành phố với dân số trên 1 triệu người. Hiện nay, theo ước tính, số thành phố Ấn Độ trên 1 triệu dân thể gần 50.
Thành phố đông dân nhất của Ấn Độ là thủ đô New Delhi, với khoảng 30 triệu cư dân trên toàn thành phố trung tâm và các khu vực đô thị hóa xung quanh. Nếu Delhi là 1 quốc gia, sẽ là quốc gia đông dân thứ 50 trên thế giới sau Malaysia, Ghana và Mozambique.
Thành phố đông dân thứ hai của Ấn Độ và thành phố cảng bận rộn nhất của đất nước Mumbai là nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người. Trước đây là Bombay, dân số tại trung tâm tài chính của đất nước đã tăng gấp đôi từ khoảng 9 triệu dân vào năm 1980 lên 20 triệu dân ngày nay.
Tại Trung Quốc, theo Triển vọng đô thị hóa thế giới của Liên Hợp Quốc, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc là Thượng Hải với khoảng 27 triệu dân, tiếp theo là Bắc Kinh với 20 triệu và Trùng Khánh với 16 triệu.
Nằm ở cửa sông Dương Tử trên bờ biển phía đông của Trung Quốc, Thượng Hải là một trong những trung tâm vận chuyển lớn nhất thế giới và là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Nếu là một quốc gia, số dân của Thượng Hải sẽ tương đương với Australia, Cameroon, Venezuela hoặc toàn bộ bang Texas của Mỹ.
Thủ đô của Trung Quốc, Bắc Kinh có số dân ngang Malawi, Romania, Sri Lanka hay bang Florida của Mỹ.
Dân số được tính như thế nào?
Dân số của một quốc gia được tính bằng 4 con số – sinh, tử, nhập cư (vào đất nước) và di cư (rời khỏi đất nước).
Khi tỉ lệ sinh và nhập cư vượt quá tỉ lệ tử vong và di cư, dân số của một quốc gia sẽ tăng lên; khi điều ngược lại xảy ra, dân số giảm.
Dân số Ấn Độ vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đang thực sự chậm lại, theo Al Jazeera.
Để dân số có thể tự thay thế từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo mà không tính tới di cư, điều được chấp nhận nói chung là các cặp vợ chồng nên có trung bình 2,1 con, trong đó 0,1 con là số con qua đời trước tuổi trưởng thành.
Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1963, phụ nữ Trung Quốc có trung bình 7,5 con. Ngày nay, con số đó đã giảm mạnh xuống chỉ còn 1,2. Tỉ lệ sinh của Ấn Độ cũng đang giảm dần từ gần 6 con trong những năm 1960 xuống còn 2 con như hiện nay.
Lần đầu tiên kể từ năm 1960, số ca tử vong trên khắp Trung Quốc đã vượt quá số ca sinh. Theo đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay, số ca sinh ở nước này năm 2022 là 9,56 triệu, trong khi số ca tử vong là 10,41 triệu.
Dù Trung Quốc đã chấm dứt “chính sách một con” vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con năm 2021, sự thay đổi chính sách đã không đảo ngược được tình trạng suy giảm nhân khẩu học.
Số ca sinh trên khắp Ấn Độ cũng đã giảm kể từ đầu những năm 2000, dù với tốc độ chậm hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, với khoảng 23 triệu ca sinh vào năm 2022, số người sinh ra ở Ấn Độ mỗi ngày (63.000 ca) nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Năm 2021 và 2022, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, Ấn Độ lần lượt ghi nhận 13,3 triệu ca sinh và 12,8 triệu ca tử vong. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dựa trên quỹ đạo hiện tại, số ca sinh và số ca tử vong ở Ấn Độ sẽ tiếp tục tương đương đến năm 2066.
Dân số thế giới sẽ đạt đỉnh năm 2080
Năm 1955, có 2,8 tỉ người trên Trái đất. Ngày nay, con số này là dân số của riêng Trung Quốc và Ấn Độ. Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng gần gấp 4 lần từ 2,5 tỉ người năm 1950 lên 9,7 tỉ người vào năm 2050.
Sau Ấn Độ (1) và Trung Quốc (2), Nigeria dự kiến trở thành quốc gia đông dân thứ 3 thế giới, tiếp theo là Mỹ (4), Pakistan (5), Indonesia (6), Brazil (7), Cộng hòa Dân chủ Congo (8), Ethiopia (9) và Bangladesh (10).
Dân số toàn cầu đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 1800, từ ước tính 1 tỉ người vào năm 1804 lên 8 tỉ người vào năm 2022. Sự tăng trưởng này phần lớn là nhờ sự phát triển của y học hiện đại và công nghiệp hóa nông nghiệp, những yếu tố đã thúc đẩy nguồn cung lương thực toàn cầu.
Các mốc dân số tăng thêm 1 tỉ lần lượt là: 1 tỉ – năm 1804; 2 tỉ – 1927 (mất 123 năm); 3 tỉ – 1960 (mất 33 năm); 4 tỉ – 1974 (mất 14 năm); 5 tỉ – 1987 (mất 13 năm); 6 tỉ – 1999 (mất 12 năm); 7 tỉ – 2011 (mất 12 năm); 8 tỉ – 2022 (mất 11 năm); 9 tỉ -năm 2037 (theo dự đoán của Liên Hợp Quốc); 10 tỉ – 2057 (dự đoán của Liên Hợp Quốc). Dựa trên những dự báo này, dân số thế giới dự kiến đạt đỉnh khoảng 10,4 tỉ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)