Theo nhiều người, đặc biệt là phụ nữ nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc, tiêu chuẩn sắc đẹp ở nước này gần như là vô lý.
Mặc dù không có một quy chuẩn chung nào nhưng đối với người Hàn Quốc, một phụ nữ đẹp thì phải có dáng người mảnh khảnh, làn da trắng mịn không tì vết, khuôn mặt thanh tú, quai hàm vừa vặn, mũi cao và đôi mắt hai mí to…. Đối với nam giới, thì phải là cơ thể săn chắc, ngoại hình bóng bẩy hoặc kiểu tomboy hoặc có thân hình vạm vỡ.
Camilla, người mới từ Úc chuyển đến Hàn Quốc, đã nói về những khó khăn của cô khi đến một quốc gia chú trọng hình ảnh hơn tất cả. "Tôi tự coi mình là một người có cân nặng hợp lý. Nhưng ở Hàn Quốc, tôi được bảo rằng tôi béo và rằng tôi sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu giảm cân. Nhiều người nói tôi trông không giống một ngôi sao K-pop nào dù tôi chỉ có 50kg" cô nói.
Một phụ nữ được xem là đẹp ở Hàn Quốc phải có dáng người mảnh khảnh, làn da trắng mịn không tì vết, khuôn mặt thanh tú…
Không giống như các nước phương Tây, sự tích cực, mạnh khỏe, đa dạng về cơ thể thực tế không tồn tại ở Hàn Quốc. “Thành thật mà nói, hiện tại tôi luôn cảm thấy thật sự tồi tệ với cơ thể của mình. Tôi chưa bao giờ như vậy trước đây" – Camilla nói thêm.
Trina sinh ra ở Nam Phi, đã sống ở Hàn Quốc được 3 năm, mô tả ngắn gọn về định kiến đối với tiêu chuẩn cơ thể. "Làn da trắng rất hấp dẫn ở Hàn Quốc. Tôi không trắng nên tôi bị xem là không hấp dẫn" – cô nói.
Charlotte, hiện đang làm việc cho một công ty kỹ thuật của Hoa Kỳ có chi nhánh tại Hàn Quốc cũng cho biết, cô đã sốc khi bị nói những từ thiếu tôn trọng về ngoại hình. "Tôi hay ăn vặt ở nơi làm việc và được khuyên dừng lại vì họ nói rằng tôi đã ăn quá nhiều" – cô nói.
Nhận xét về thói quen ăn uống và ngoại hình của người khác ở Hàn Quốc dường như đã được bình thường hóa đến mức ai cũng có thể chê bai nếu như ai đó không trắng trẻo, mảnh dẻ. "Đã có những người mà tôi từng coi là bạn bè nói với tôi rằng răng của tôi quá to, rằng tôi quá gầy và cần phải đến phòng tập thể dục. Thật buồn là họ nghĩ nói vậy sẽ khiến tôi cảm kích nhưng ngược lại, tôi cảm thấy bị xúc phạm" – Aiden – giáo viên trung học nói, đồng thời bày tỏ thêm mối lo ngại của mình về "những nhận xét, quan niệm tổn hại này sẽ ảnh hưởng đến trẻ em.
Đối với một số người Hàn Quốc, sự hấp dẫn còn được đánh đồng với thành công, bằng cấp hoặc có những người bạn đời giàu có hơn. Greta Nishan, 23 tuổi, nhớ lại những điều cô rút ra được từ cuộc trò chuyện với những người bạn Hàn Quốc. "Giống như có một danh sách kiểm tra vậy. Đầu tiên là tôi cần phải mảnh mai hơn. Sau khi thực hiện xong, tôi cần có làn da mịn màng hơn, rồi sau đó tôi cần có mái tóc dày hơn, nên tìm một bạn trai giàu có hơn hoặc một công việc tốt. Quan điểm độc hại này đang phát triển mạnh ở Hàn Quốc", cô nói.
Sự tồn tại của "chủ nghĩa ngoại hình" còn khiến nhiều người rơi vào tâm lý sợ hãi, thậm chí là lạm dụng thuốc, phẫu thuật thẩm mỹ…. Luke Hayman cho biết: "Tôi đã uống thuốc giảm cân. Bởi tôi được khuyên rằng nên giảm cân và tăng cơ bắp".
Khi được hỏi điều đó đã ảnh hưởng đến anh như thế nào, Luke nói: "Lòng tự trọng của tôi giảm sút nghiêm trọng. Tôi đã chú trọng vào vẻ ngoài của mình mà quên đi giá trị thực của bản thân mình là đâu".
Một người phụ nữ, người được yêu cầu viết tắt bằng tên EE, đã nói về tình trạng sức khỏe của cô ngày càng xấu đi. "Tôi bị áp lực bởi quá nhiều hình ảnh của các cô gái Hàn Quốc nhỏ bé, xinh xắn đến nỗi tôi bắt đầu chỉ trích cơ thể của mình. Tôi nặng 54kg nhưng nghĩ rằng mình béo. Tôi bắt đầu tập thể dục quá sức và bỏ bữa. Khi không thấy kết quả, tôi bắt đầu tự làm cho mình nôn mửa hết thức ăn sau khi ăn vào".
Matthew Kenworthy, 28 tuổi, đã thẳng thắn nói về hình ảnh cơ thể xấu đi của mình. "Tôi bắt đầu cảm thấy tội lỗi mỗi khi ăn. Đó là lần đầu tiên đối với tôi. Nó bắt đầu bằng việc bỏ bữa – uống nhiều cà phê hơn và hút nhiều thuốc lá hơn. Và tôi từng biện minh rằng đó là điều bình thường bởi mọi người đều làm. Rồi một đêm, tôi đi ăn thịt nướng với bạn bè, tôi ăn rất ngon và nhiều. Nhưng ngay sau đó, tôi cảm thấy tội lỗi về điều đó đến nỗi vừa về nhà tôi làm mọi cách để nôn thốc nôn tháo hết ra. Sau đó, tôi bắt đầu ngược đãi cơ thể mình. Tôi sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc ức chế sự thèm ăn…".
Kenworthy là một ví dụ về mức độ nguy hiểm của những tiêu chuẩn cơ thể độc hại đối với sức khỏe của một người. Đó là lý do tại sao anh không gia hạn hợp đồng làm việc và sẽ rời Hàn Quốc trong tháng tới. “Tôi cần ở một nơi nào đó tốt cho sức khỏe của mình, và đó không phải là Hàn Quốc”- anh nói.
Thảo Nguyễn/PNO (theo Korea Times)
Bình luận (0)