Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đề thi thật giữ nguyên độ khó như đề minh họa có thể gây lạm phát điểm chuẩn đầu vào đại học.
Đề thi an toàn, "mồi nhử" yếu
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du – Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) – nhận xét cấu trúc đề minh họa năm nay tương đồng với đề thi năm 2022, chỉ khác biệt là nội dung chương trình lớp Mười một chiếm khoảng 20%, tăng 10%. Kiến thức trải rộng toàn bộ chương trình lớp Mười hai, từ lịch sử thế giới cho đến lịch sử Việt Nam.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) – ẢNH: P.T
Về hình thức, theo thầy Du, đề minh họa khá sáo mòn, không có sự đột phá, chủ yếu yêu cầu chọn cách đánh giá đúng về một sự kiện. Đa phần câu hỏi ở mức độ vận dụng thấp. Độ khó trong đề chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, các “mồi nhử” trong câu hỏi rất yếu. Học sinh chỉ cần nắm khái quát chương trình có thể dễ dàng dùng phương án loại suy để tìm đáp án đúng. Ưu điểm là dù đề dễ nhưng khối lượng kiến thức nhiều, trải rộng, do đó học sinh muốn được điểm cao phải nắm được toàn bộ chương trình chứ không thể học tủ.
Đối với môn tiếng Anh, cô Phan Thị Thu Hằng – Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM) – cho rằng đề minh họa năm nay dễ hơn so với đề thi các năm trước. Cấu trúc đề gần như không thay đổi, các dạng bài rải đều 25 chuyên đề ngữ pháp trọng tâm, đa số ở chương trình lớp Mười hai. Độ phân hóa là 80% nhận biết, thông hiểu và 20% vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, có 8 câu vận dụng và chỉ có 2 câu vận dụng cao.
Theo cô, nếu học sinh học nghiêm túc, nắm được bài, không cần giỏi cũng dễ dàng đạt mức điểm 8. Còn để đạt điểm trên 8 đòi hỏi học sinh giỏi, có vốn từ vựng phong phú. Phần phân hóa tập trung vào các câu hỏi từ vựng là nhiều, ngoài ra có 1 câu hỏi về thành ngữ khá lạ, đây sẽ là câu khống chế điểm 10. “Nếu giữ nguyên độ khó này thì năm nay phổ điểm sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 10%. Chẳng hạn, năm 2022 đa phần học sinh Trường THPT Phú Nhuận ở mức hơn 8 điểm thì năm nay phổ điểm có thể lên đến gần điểm 9” – cô Phan Thị Thu Hằng dự đoán.
Trong khi đó, thầy Đinh Đức Hiền – giáo viên môn sinh học tại hệ thống giáo dục HOCMAI (TP Hà Nội) – đánh giá đề tham khảo môn sinh học đã có sự thay đổi theo đúng định hướng mà Bộ GD-ĐT đã công bố, đó là tăng cường các câu hỏi vận dụng thực tiễn. Nếu như mọi năm tỉ lệ câu hỏi lý thuyết và bài tập tính toán tương ứng là 70% và 30% thì ở đề tham khảo 2023, tỉ lệ này là 80% – 20%. Việc phân loại thí sinh không chỉ ở những câu bài tập tính toán mà còn ở những câu lý thuyết. Điều này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích thí nghiệm, biểu đồ, xử lý số liệu thống kê, đọc hiểu để tìm đáp án đúng.
Khó phân hóa tốt cho đầu vào đại học
Cô Phan Thị Thu Hằng nhìn nhận, đề minh họa tiếng Anh có phân hóa nhưng không nhiều, chỉ có 2 điểm để phân hóa giữa học sinh giỏi và học sinh bình thường. Do đó, để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp thì tốt nhưng nếu dùng để xét tuyển đại học thì chưa ổn. Cô cho rằng: “Những năm gần đây, đa phần các trường đại học đều có tiêu chí phụ xét tuyển là các chứng chỉ quốc tế, nhất là IELTS, cho nên các trường cũng không phụ thuộc quá nhiều vào đề thi tốt nghiệp. Đặc biệt là những ngành yêu cầu cao về tiếng Anh mà chỉ xét tuyển dựa trên điểm tốt nghiệp thì khó đảm bảo chất lượng bởi với đề hiện nay học sinh không cần giỏi cũng có thể đạt điểm 8”.
Đồng quan điểm, thầy Hoàng Thái Dương – giáo viên hóa Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) – cũng cho rằng đề minh họa môn hóa năm nay tương đồng với đề thi năm ngoái, chỉ có 1-2 câu phân hóa học sinh. Do đó, học sinh không khó để đạt điểm 8, học sinh học khá dễ dàng được 8-8,5, còn để được 9-9,5 trở lên đòi hỏi học sinh phải giỏi, kiến thức chắc và tư duy tốt. Theo thầy, với đề thi này, nếu làm đầu vào xét tuyển đại học thì vẫn ổn với các ngành điểm chuẩn cao. Chẳng hạn với những ngành “hot” như y dược lấy 25,5-26 điểm trở lên, đòi hỏi thí sinh phải được 9 điểm/môn trở lên, đó là ngưỡng mà học sinh giỏi mới đạt được. Tuy vậy, sẽ khó đảm bảo đầu vào cho các trường lấy điểm chuẩn ở ngưỡng 23-24 điểm, tức chỉ khoảng dưới 8 điểm/môn, vì không có độ phân hóa giữa học sinh trung bình khá và khá.
Theo thầy Đinh Đức Hiền, đề minh họa môn sinh có độ phân hóa vừa phải, đáp ứng được tính chất kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu độ khó này giữ nguyên ở kỳ thi thật thì có thể dẫn đến nguy cơ điểm chuẩn đại học ở nhiều ngành bị lạm phát. Đặc biệt là khối ngành y dược hiện nay, gần như toàn bộ chỉ tiêu trông chờ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi yêu cầu đầu vào của khối ngành này rất cao và hiện vẫn chưa có kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Thầy Phan Thế Hoài – giáo viên ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM) – cũng đánh giá cấu trúc đề minh họa môn ngữ văn quen thuộc, đem đến sự an toàn cho học sinh. Các em chỉ cần nắm vững kiến thức trong chương trình lớp Mười hai là có thể làm bài tốt. Đề văn vẫn có độ phân hóa ở câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm). Học sinh dễ đạt điểm 6-7 nhưng từ mức 8 phải thực sự giỏi. Do vậy, nếu làm đầu vào các trường điểm chuẩn cao vẫn ổn, song với các trường lấy điểm chuẩn thấp thì khó có sự phân loại thí sinh hiệu quả.
Học sinh không nên chủ quan Đánh giá đề minh họa năm nay dễ hơn so với năm ngoái, song, thầy Phạm Đức Minh – Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TPHCM) – cho rằng thực tế qua các năm, đề thi thật thường khó hơn đề minh họa. Do đó, học sinh chỉ nên tham khảo để biết cấu trúc, hướng ra đề chứ không nên bám vào mức độ khó dễ mà chủ quan. Với đề minh họa, khả năng điểm 7-8 nhiều, nhưng kinh nghiệm cho thấy khi thi thật đa phần có thể được điểm 7, nhưng để đạt điểm 8 không dễ. Chưa kể, năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh nên đề chính thức dễ hơn các năm, tuy nhiên năm nay tình hình đã ổn định, đề thi thật dự đoán sẽ khó hơn. |
Theo Minh Linh/PNO
Bình luận (0)