Trước mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm H5N1, người dân phải luôn đề cao phòng, chống bệnh này. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa nấu chín kỹ, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với gia cầm.
Tại họp báo, Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga nói về các giải pháp phòng, chống cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn TP.HCM
Tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 2-3, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã thông tin về việc đáp ứng khẩn cấp của ngành y tế khi xuất hiện các trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia.
Bà Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, chiều 24-2, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản cảnh báo tại các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia có hai trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1, trong đó có một trường hợp tử vong. Trên cơ sở này, Sở Y tế TP có văn bản chỉ đạo các cơ quan y tế trực thuộc có những đáp ứng khẩn cấp; đồng thời có văn bản tham mưu UBND TP và UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND quận huyện có những phương án đáp ứng khẩn cấp.
Cụ thể, tại các cửa khẩu, ngành y tế triển khai các hoạt động tăng cường giám sát những người đến từ cụm dịch ở nước ngoài tại sân bay Tân Sơn Nhất, cụm cảng trên địa bàn TP. Nếu phát hiện nghi ngờ sẽ kiểm tra dịch tễ và chẩn đoán. Tại các cửa khẩu cũng phối hợp Chi cục Thú y vùng 6 giám sát kiểm dịch các trường hợp nhập cảnh.
Trong nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt những người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm có triệu chứng nghi ngờ; tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp trong cộng đồng. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ sẽ báo cáo hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để khám, điều trị kịp thời và báo cáo thông tin bệnh đến HCDC để tiến hành điều tra khoanh vùng xử lý nếu có những yếu tố nguy cơ.
Đối với khối bệnh viện, Phó Giám đốc HCDC cho biết, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo tăng cường giám sát, chẩn đoán các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng và báo cáo HCDC khi phát hiện.
Với các trung tâm y tế và phòng y tế quận huyện, phối hợp tham mưu UBND quận huyện kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn theo hướng dẫn chuyên môn của HCDC.
“Sáng nay, HCDC phối hợp với Chi cục Thú y và chăn nuôi TP.HCM tổ chức lớp tập huấn giám sát và phòng chống cúm gia cầm H5N1 cho các trung tâm y tế quận huyện và truyền trực tiếp đến các trạm y tế phường xã”, bà Lê Hồng Nga cho biết. Bà Nga cho biết thêm: “HCDC cũng tăng cường các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng dân cư”.
Quang cảnh họp báo
Theo Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga, mới đây, tại tỉnh Phú Thọ phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Trước đó, vào khoảng năm 2010 phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 tại một tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng TP.HCM, năm 2004, TP ghi nhận 4 ca bệnh nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, từ đó đến nay hệ thống giám sát không phát hiện thêm ca nào trên địa bàn TP.
“Trước tình hình này, cúm gia cầm H5N1 chưa được coi là bệnh lưu hành ở TP.HCM. Tuy nhiên, với mức độ bệnh đang lưu hành, đặc biệt TP là nơi tập trung nhiều chợ đầu mối thu mua gia cầm ở nhiều tỉnh đòi hỏi phải luôn phải cảnh giác nguy cơ xâm nhập bệnh này”, bà Lê Hồng Nga nói.
Cúm gia cầm H5N1 được đánh giá là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Theo phân loại bệnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, cúm gia cầm H5N1 thuộc nhóm A, tức bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Từ thực tế này, Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga lưu ý phải luôn có tinh thần phòng, chống bệnh cúm gia cầm H5N1: Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa nấu chín kỹ, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với gia cầm.
N.Trinh
Bình luận (0)