Theo quy định mới của Bộ LĐ-TB-XH, các trường cao đẳng có thể đào tạo nghề bảo vệ, cũng có nghĩa người làm nghề này có thể lấy bằng cao đẳng.
Bảo vệ tại một chung cư ở TP.HCM. Ảnh: Đăng Nguyên
Mới đây, nhiều người có thắc mắc thông tin về chuyện có thể lấy bằng cao đẳng ngành nghề bảo vệ, một công việc đang có nhiều người làm với đa số có trình độ, bằng cấp không cao.
Trên thực tế, nội dung này liên quan đến Thông tư từ đầu năm 2019 của Bộ LĐ-TB-XH. Cụ thể, ngày 28.1, Bộ LĐ-TB-XH ban hành Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15.3.2019.
Tuy nhiên, từ khi Thông tư có hiệu lực đến nay, chưa có trường cao đẳng, trung cấp nào đào tạo ngành bảo vệ.
Xin mở ngành không dễ
Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, hiện nay chưa có trường nào đào tạo nghề bảo vệ một cách chuyên nghiệp. Chỉ có các công ty bảo vệ tự tuyển dụng và đào tạo. Nghiệp vụ bảo vệ chủ yếu xuất phát từ những người nghỉ hưu từ Cục Cảnh vệ, cảnh sát… đào tạo lại. Các công ty vẫn có một số lợi thế: có hiểu biết pháp luật, có nghiệp vụ bảo vệ và cảnh vệ, có các Sở Công an quản lý… Nhưng đào tạo phi chính quy như vậy cũng có nhiều điều chưa hoàn thiện. Hiện nay các công ty bảo vệ cũng chủ yếu bảo vệ các công ty, nhà xưởng, ngân hàng, trường học, chung cư… gọi là bảo vệ địa bàn. Trong khi đó, ở nước ngoài còn có dịch vụ bảo vệ yếu nhân do các cá nhân có nhu cầu thuê mướn.
Theo thạc sĩ Hải, nếu như có đào tạo chính quy thì doanh nghiệp, cơ quan muốn tìm người bảo vệ địa bàn hay cá nhân muốn thuê bảo vệ sẽ yên tâm hơn. Vì những bảo vệ này được học bài bản và có trình độ văn hóa nhất định. Các công ty bảo vệ cũng có nơi để gửi nhân viên đến các trường để học nâng cao trình độ, chuyên môn của mình…
"Tuy nhiên, nếu đào tạo ngành này ở bậc cao đẳng, trung cấp thì có một số bất cập. Bất cập đầu tiên và rất quan trọng là xin mở ngành sẽ rất khó khăn. Đó là nếu mở ngành này, cơ sở vật chất, thiết bị… các trường có thể đáp ứng. Nhưng quan trọng hơn là hiện nay theo quy định, giảng viên trung cấp phải có bằng cao đẳng trở lên, giảng viên cao đẳng phải có bằng đại học trở lên. Lấy đâu ra lực lượng đáp ứng quy định về trình độ để giảng dạy ngành này? Cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về nhân sự giảng dạy ngành này. Nếu không, khi xin mở ngành cũng có thể xảy ra tiêu cực", thạc sĩ Hải nhận định.
Sẽ khó tuyển sinh
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách Việt, cũng cho biết nếu trường cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành bảo vệ khó mà tìm ra người học. Vì hiện nay, các công ty bảo vệ chỉ tuyển người tốt nghiệp THCS, huấn luyện 2 tuần, 1 tháng đã đi làm. Muốn các trường đào tạo phải có kèm theo quy định về bằng cấp đối với lực lượng bảo vệ. Mức đãi ngộ lương bổng cũng phải khác. Nếu bảo vệ có trình độ cao đẳng, trung cấp có mức lương không quá khác biệt với bảo vệ trình độ thấp hơn thì không ai dại đi học.
Tiến sĩ Thành cũng cho biết trước đây, Trường cao đẳng Bách Việt có mở ngành kỹ thuật chế biến món ăn. Lúc mở ngành, lãnh đạo trường cứ nghĩ là ngành này đang hấp dẫn, sẽ có nhiều người đi học. Nhưng kết quả là chỉ tuyển được một lớp với 20 sinh viên theo học. Lý do là nếu muốn đi theo nghề nấu ăn, chỉ cần học ngắn hạn và mức lương khi làm việc cũng không phụ thuộc vào bằng cấp. Vậy thì học trung cấp để làm gì?
Theo Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)