Sau nhiều năm chúng ta tích cực truyền thông về khởi nghiệp, và ghi nhận những làn sóng người trẻ khởi nghiệp chưa từng có; đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại, cùng nhau thảo luận để có được nhận thức đúng đắn, từ đó hành động bền vững về câu chuyện khởi nghiệp.
Theo tác giả, nhà trường (cả bậc phổ thông lẫn đại học) cần giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ về câu chuyện khởi nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Từ góc nhìn giảng dạy ở bậc đại học, đồng thời, từ góc độ truyền thông, bài viết này mong muốn chia sẻ hai hiểu lầm đang xảy ra phổ biến khi chúng ta giảng dạy và truyền thông về khởi nghiệp.
Trước hết, cần hiểu đúng về khái niệm khởi nghiệp. Khi và chỉ khi thực sự hiểu rõ định nghĩa của một khái niệm, chúng ta mới có được nhận thức và hành động chính xác. Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp chúng ta có sự nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp; hoặc chúng ta đơn giản hóa khái niệm khởi nghiệp dẫn đến câu chuyện khởi nghiệp đôi lúc trở thành phong trào, chỉ mang tính hình thức, có phần hô hào mà không đi đến kết quả thực chất, ít đóng góp cho kinh tế – xã hội. Chẳng hạn, như tình huống chúng ta thấy có một số trường hợp các bạn trẻ chỉ mang kế hoạch khởi nghiệp đi tham gia hết cuộc thi khởi nghiệp này đến cuộc thi khởi nghiệp khác, nhưng chớ hề thấy có sự triển khai, hành động? Và bản thân các cuộc thi này cũng phần nào chỉ mang tính hình thức, tiêu chí chấm không cần thực tiễn, không cần khả thi, không có nhà đầu tư tham gia, dường như chỉ tổ chức thi để lấy tiếng phong trào. Tư duy khởi nghiệp như vậy là rất không ổn, để lại những hệ lụy tai hại.
Tự tin, bản lĩnh, quyết đoán là những phẩm chất tốt, nhưng việc cố chấp mạo hiểm lao vào khởi nghiệp khi chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng, là việc rất nên tránh. Khởi nghiệp không chỉ cần sự sáng tạo, sự khác biệt đột phá trong ý tưởng mà kèm theo đó còn là những hiểu biết và kỹ năng như quản lý tài chính, quản trị nhân lực, kỹ năng gọi vốn… |
Một hiểu lầm nữa về khởi nghiệp là cổ xúy cho thái độ mạnh dạn dám nghĩ dám làm, làm đến đâu học hỏi đến đó, sai đến đâu sửa đến đó. Tự tin, bản lĩnh, quyết đoán là những phẩm chất tốt, nhưng việc cố chấp mạo hiểm lao vào khởi nghiệp khi chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng, là việc rất nên tránh. Khởi nghiệp không chỉ cần sự sáng tạo, sự khác biệt đột phá trong ý tưởng mà kèm theo đó còn là những hiểu biết và kỹ năng như: Quản lý tài chính, quản trị nhân lực, kỹ năng gọi vốn, kỹ năng truyền thông marketing, hiểu biết về pháp lý thủ tục hành chính… Điều đó đòi hỏi chúng ta khi khởi nghiệp phải vun vén ít nhất những vốn liếng hành trang tối thiểu. Một ý tưởng độc đáo, một bầu nhiệt huyết đam mê là chưa đủ cho con đường dài mang tên khởi nghiệp. Thế nên, đó là lý do ở những quốc gia có hình thức khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, những người khởi nghiệp thường chuẩn bị cho mình lượng kiến thức tương đối sau khi đã có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, một bộ phận người trẻ khởi nghiệp có xu hướng xem thường việc học tập bài bản trong khuôn khổ giảng đường, khước từ việc làm thuê để sớm được làm chủ…
Ngoài hai hiểu lầm phổ biến trên, nhận thức về khởi nghiệp của các bạn trẻ cũng còn nhiều điều đáng bàn. Điều đó cho thấy trách nhiệm của nhà trường (cả bậc phổ thông lẫn đại học) và vai trò của truyền thông trong việc giúp người trẻ hiểu rõ về khởi nghiệp là rất cần thiết.
ThS. Trần Xuân Tiến
(Trường Đại học Văn Hiến)
Bình luận (0)