Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đưa Truyện Kiều vào đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh hát Kiều trong trích đoạn Gia biến

Không chỉ biết đến Truyện Kiều qua các trích đoạn được học trong sách giáo khoa, các em học sinh lớp 10A12 Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) còn được trải nghiệm và vận dụng Truyện Kiều vào các loại hình văn hóa nghệ thuật qua tiết học “Truyện Kiều – Từ trang thơ đến cuộc sống”.

Tiết học được bắt đầu bằng phần hỏi – đáp kiến thức chung về Nguyễn Du, Truyện Kiều và các trích đoạn đã học giữa các nhóm học sinh nhằm củng cố kiến thức và thể hiện những trải nghiệm của các em qua các bài học. Tiếp đó, một học sinh đại diện nhóm lên trình bày về sức lan tỏa của Truyện Kiều trong cuộc sống qua các hình thức văn hóa nghệ thuật như tập Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, nhại Kiều, trò Kiều, vẽ tranh Kiều, hát ví dặm Nghệ Tĩnh bằng lời thơ Kiều… Mỗi hình thức đều có những ví dụ minh họa cụ thể bằng hình ảnh, clip trình chiếu. Thậm chí, nhóm giới thiệu còn dẫn chứng hình ảnh những nhân vật từ Truyện Kiều được ứng dụng vào đời sống như người con gái xinh đẹp mà long đong gọi là phận nàng Kiều, kẻ lừa gạt tình cảm thì gọi là Sở Khanh, người ghen tuông thì gọi là Hoạn Thư…

Trích đoạn Thề nguyền
Biểu diễn cải lương đoạn trích Trao duyên

Nhưng thú vị và kịch tính nhất chính là phần sân khấu hóa về Truyện Kiều với các trích đoạn Thề nguyền, Trao duyên bằng hình thức cải lương. Lối diễn xuất thần, hóa thân vào nhân vật cùng giọng hát cải lương vô cùng mùi mẫn đã làm thổn thức trái tim học sinh lẫn khách mời bên dưới. Điều thú vị là cả ba nhân vật hóa thân Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều vốn không phải là thành viên lớp 10A12. Em Âu Hồ Mai Uyên (lớp 10A9), người hóa thân thành nhân vật Kiều trong cả hai trích đoạn, cho biết cả nhà em ai cũng biết hát cải lương nên loại hình nghệ thuật này đã gắn bó với em từ lúc mới chào đời qua những lời ru của bà, của mẹ. Khi được các giáo viên trong tổ văn cho biết sẽ tổ chức tiết học ngoại khóa về Truyện Kiều và ngỏ ý mời tham gia thì Uyên đã đồng ý, đồng thời rủ thêm hai bạn là Nguyễn Ưu Hường Huyền (lớp 10A14) và Nguyễn Khoa Tiến (lớp 10A5) cùng tham gia.

Không chỉ thể hiện sự hiểu biết về sức ảnh hưởng của Truyện Kiều vào đời sống, các thành viên lớp 10A12 còn chứng tỏ: Truyện Kiều có khả năng đi vào âm nhạc hiện đại bằng phần hát Kiều ở trích đoạn Gia biến. Em Trần Hoàng Phi, người phổ nhạc cho đoạn thơ, cho biết khi đọc Truyện Kiều, em đã lấy cảm xúc từ đoạn trích này để phổ thành nhạc. “Truyện Kiều là thể thơ lục bát nên dễ phổ nhạc. Khi phổ xong, em có hát thử trích đoạn này, nhiều bạn khen hay và thấy thích thú. Vậy là em rủ các bạn cùng tham gia để có cơ hội được đứng trước nhiều người”, Hoàng Phi chia sẻ.

Nhiều học sinh xúc động khi xem các trích đoạn sân khấu hóa

Cô Nguyễn Thị Phương Hoa, giáo viên môn ngữ văn lớp 10A12, cho biết sau khi học xong các trích đoạn Truyện Kiều trong chương trình sách giáo khoa, cô đã gợi ý để các em tự tìm hiểu, thu thập tài liệu và tổ chức tiết học này. Theo đó, các em tự chia nhóm, lên ý tưởng và xây dựng nội dung tiết học. Hầu hết các nhóm đều làm việc rất tự giác, phân công công việc rất cụ thể. Sau tiết học này, các em sẽ được làm bài thu hoạch, viết cảm nhận sau khi trải qua các phần trong tiết học.

Cũng trong tiết học này, các em học sinh còn được giao lưu với nghệ sĩ Minh Thành để hiểu về đờn ca tài tử – một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)