Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trước thềm năm học mới: “Đau đầu” với công tác tuyển nhân sự

Tạp Chí Giáo Dục

Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM phỏng vấn tuyển giáo viên năm học 2015-2016. Ảnh: H.Triều

Để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh do tăng dân số cơ học, hàng năm TP.HCM đều xây thêm cả ngàn phòng học mới. Đi cùng với đó là nhu cầu tuyển thêm nhân sự. Tuy nhiên, năm học mới này ngành giáo dục (GD) sẽ gặp không ít khó khăn do chỉ tiêu biên chế bị siết lại.

Theo chỉ đạo của UBND TP, trong năm 2016, các quận huyện phải cắt giảm 5% biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; đồng thời không tăng biên chế đối với các đơn vị đang hoạt động hiện hữu. Riêng các đơn vị là bệnh viện, trường học xây mới nếu không tự cân đối được nhân sự thì địa phương lập đề án để Sở Nội vụ TP thẩm định và trình UBND TP, Bộ Nội vụ phê duyệt. Theo kế hoạch, biên chế sự nghiệp năm 2016 của TP là 119.809 người, giảm 6.305 người so với năm trước.

Ngành GD-ĐT “khát” chỉ tiêu biên chế

Quy định này khiến ngành GD vốn đã thiếu nhân sự nay càng thiếu hơn.

Đơn cử như Q.Bình Tân, dự kiến trong năm học 2016-2017, Bình Tân có 59 đơn vị trường học công lập (gồm: 22 trường mầm non (tăng 4 trường), 21 trường tiểu học và 13 trường THCS). Với trên 76.700 HS (tăng hơn 10.000 HS so với năm học 2015-2016), năm học mới này ngành GD-ĐT quận dự kiến có 1.867 lớp (tăng 250 lớp). Thêm trường, thêm lớp, đương nhiên là phải thêm nhân sự. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3-2016, ngành GD-ĐT Q.Bình Tân đã sử dụng 3.105 biên chế/3.003 biên chế được giao. Điều này cũng có nghĩa ngành GD-ĐT Q.Bình Tân đã sử dụng vượt 102 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Đã vượt chỉ tiêu trên 100 biên chế, trong khi yêu cầu của TP là không tăng biên chế, liệu năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Q.Bình Tân sẽ xoay xở như thế nào?

Việc không tăng chỉ tiêu biên chế sẽ khiến ngành GD-ĐT gặp nhiều khó khăn về nhân sự, nhất là nhân sự cho các trường mầm non. Ảnh: H.Triều

Về vấn đề này, ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân – cho biết: “Nhằm kịp thời đảm bảo nhân sự cho năm học 2016-2017, UBND quận đã kiến nghị với UBND TP, Sở Nội vụ TP bổ sung 694 biên chế cho các trường công lập, trong đó bao gồm 102 biên chế hiện có”.

Việc ngành GD-ĐT Q.Bình Tân thiếu giáo viên nên xin đó là đương nhiên, nhưng có được TP chấp thuận hay không thì còn phụ thuộc vào rất nhiều quy định…

Tại Q.Thủ Đức, tổng chỉ tiêu biên chế TP giao cho quận năm 2016 là 2.682 người, giảm 160 người so với năm 2015. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức – thì: Năm học 2016-2017, trên địa bàn quận sẽ có 2 trường mầm non được đưa vào sử dụng, chúng tôi đã lên kế hoạch bổ sung 169 biên chế cho hai trường này. Song, với tình hình như hiện nay rất khó để bố trí nhân sự.

Ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp – cũng cho biết: “Năm học 2016-2017, quận dự kiến đưa vào sử dụng hai trường mới là Trường THCS Phan Văn Trị và một trường mầm non ở phường 12, ngoài ra còn có một cơ sở 2 của một trường mầm non. Để chắc chắn không thiếu giáo viên, trong khi không thể xin đủ biên chế, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch tuyển hợp đồng…”.

Vừa làm bác sĩ, vừa làm kế toán: Đánh đố các trường

Năm 2015, liên Bộ GD-ĐT và Nội vụ đã có thông tư quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở GD mầm non công lập. Theo thông tư này, nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ là kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ thay vì là 4 người thì tối đa không vượt quá 2 người.

Ông Tuấn – Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp – tâm tư: “Một trường chỉ có 2 nhân viên làm kế toán, thủ quỹ, văn thư và y tế thì chưa thực hiện được bởi vì cần có thời gian để họ tiếp tục học tập bổ sung chuyên môn. Ví dụ, một người trước nay làm công tác y tế thì rất khó để làm thêm công việc của một kế toán”.

Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Bích Ngọc – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.7 – cho rằng: “Nhân viên làm chuyên môn này mà phải kiêm nhiệm thêm việc khác là rất khó. Đặc biệt chúng tôi quan ngại công tác kiểm tra vệ sinh môi trường để tránh dịch bệnh cho trẻ nhỏ sẽ rất khó khăn nếu một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm thêm việc khác”.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP – cho rằng: Nhân viên trong trường học nếu không có chuyên môn thì làm sao mà xếp lương. Vì vậy một người phải có 2 bằng. Ví dụ, nhân viên kế toán và y tế thì phải có ít nhất là bằng trung cấp kế toán và trung cấp y. Cái khó trong việc thực hiện thông tư này là ở chỗ kế toán không thể kiêm nhiệm thủ quỹ. Từ thực tế này, Sở GD-ĐT TP và Sở Nội vụ TP nên lưu ý để có những đề xuất thiết thực…

Ngoài ra, thông tư này cũng quy định số bảo vệ của các trường mẫu giáo, trường mầm non không vượt quá 2 người. “Một trường mầm non với quy mô lớn mà chỉ có 2 bảo vệ thì sẽ gặp nhiều khó khăn, khó đảm bảo an toàn cho trẻ” – bà Ngọc  (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.7) bức xúc.

Dương Bình

 

Bình luận (0)