Gần đây, cuộc chia tay của NSƯT Thành Lộc với sân khấu IDECAF (TP.HCM) đã khiến nhiều nghệ sĩ lẫn khán giả xôn xao. Chuyện "đi hay ở" của nghệ sĩ vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng khi nghệ sĩ ấy đã trở thành gương mặt đại diện cho một sân khấu, hoặc gắn với doanh thu phòng vé thì lại là một vấn đề "tạo sóng" dư luận.
Có một thực tế, rất nhiều khán giả khi mua vé xem kịch của IDECAF thường đưa ra câu hỏi đầu tiên là "Có Thành Lộc không?", hoặc "Có Hữu Châu không?". Chẳng hạn, với chương trình Ngày xửa ngày xưa thì khán giả nhí mê chú Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn, tên tuổi các chú là cả tuổi thơ của các bé. Với khán giả người lớn thì nghệ sĩ Thành Lộc còn gắn với buổi đầu đẹp đẽ của sân khấu xã hội hóa, khi kịch thể nghiệm 5B mới hình thành, nhiều vở chính kịch chấn động lòng người. Thành Lộc có mặt trong Lôi Vũ (vai Chu Xung trong trẻo thánh thiện), trong Tiếng chim vườn ngọc lan (vai Lữ Đạo Kinh đau khổ vì không thể sống với giới tính thật của mình), trong Dạ cổ hoài lang (vai ông Tư thắc thỏm nhớ quê và gục chết trong nỗi cô đơn)… Rất nhiều vai diễn cực hay đã làm sáng danh Thành Lộc.
NSƯT Thành Lộc trong vở Tiên Nga
Rồi NSƯT Thành Lộc chuyển sang IDECAF chung sức với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn gầy dựng một sàn diễn mới đầy nét thanh xuân, tươi trẻ, năng động. Thành Lộc có mặt trong hầu hết vở kịch, kể cả những vở kịch thiếu nhi thời ban đầu còn diễn tại sân khấu nhỏ, chưa ra Nhà hát Bến Thành. Anh tung hoành với mọi nhân vật, dốc hết thanh xuân và sức lực của mình, khắc vào tâm trí và trái tim khán giả một hình bóng thân quen đến mức khó thể tách rời tên anh với không gian sân khấu tại đây. Tiếp đó, Thành Lộc thử sức làm đạo diễn, cho ra những vở kịch sang trọng, hoành tráng, trở thành niềm tự hào của IDECAF, như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga.
Trong khi đó, ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, nghệ sĩ Ái Như và NSƯT Thành Hội cũng được khán giả yêu mến, quen thuộc, vở nào họ cũng "đòi" có hai người này diễn thì mới chịu mua vé. Ái Như tâm sự: "Tình cảm của khán giả khó lý giải lắm, cho nên tôi và anh Hội dù không đóng vai chính thì cũng phải đóng vai phụ, có mặt một chút để khán giả vui. Chúng tôi luôn muốn đẩy các em trẻ lên đóng chính, mình lui về làm dàn bao thôi, nhưng dứt khoát không được vắng mặt, không dám phụ lòng khán giả".
Ở sân khấu Thế Giới Trẻ, hiện nay khán giả mua vé thì hỏi tên Minh Dự và Diệu Nhi. Chị An Thi, quản lý sân khấu, nói: "Những năm đầu thành lập, khán giả chỉ đến để xem vở diễn hay dở ra sao. Nhưng sau này, mọi người lại đòi phải có nghệ sĩ A, B… Thị trường phát triển như thế, mình phải chiều theo. May là những nghệ sĩ của chúng tôi không bị "bệnh ngôi sao", hoặc nếu có thì cũng chỉ chút ít nhõng nhẽo thôi. Con người mà, làm sao tránh được hỉ nộ ái ố, nhưng chung sống hòa thuận với nhau vậy là tốt rồi".
NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như trong vở Oan tình ai thấu. Ảnh: H.K
Ông bà bầu nào cũng hiểu rằng để bán được vé thì sân khấu của họ phải có những tên tuổi lớn, những nghệ sĩ đẳng cấp mà ta quen gọi là "ngôi sao". Nghệ sĩ ấy có khi chỉ là một diễn viên hài, nhưng ảnh hưởng của họ không hề nhỏ. Đó là lý do ngày xưa khi sân khấu cải lương còn hưng thịnh, các đoàn hát vô cùng trân trọng các "ngôi sao", mời họ về bằng mọi giá. Hoặc nếu đoàn hát do chính gia đình nghệ sĩ ấy lập nên, thì cũng đưa tên ngôi sao lên bảng hiệu. Như đoàn Thanh Minh – Thanh Nga thì có cặp Thanh Nga – Thanh Sang, đoàn Hương Mùa Thu có Ngọc Hương, đoàn Dạ Lý Hương có Bạch Tuyết – Hùng Cường, đoàn Việt Hùng – Minh Chí, đoàn Thành Được – Út Bạch Lan, đoàn Thống Nhất – Út Trà Ôn, đoàn Tân Thủ Đô – Tấn Tài, hoặc đoàn kịch Kim Cương, kịch La Thoại Tân, kịch Túy Hồng… chỉ cần nghe tên đoàn là biết gắn với "ngôi sao" nào.
NSND Bạch Tuyết nói: "Cặp đào kép chính như hai cây cột cái của ngôi nhà. Đoàn hát phải có cột cái thì mới yên tâm. Đó là quy luật thị trường, không thể phủ nhận. Còn hỏi làm cách nào để có "ngôi sao" cho đoàn, thì hồi xưa người ta viết kịch bản đo ni đóng giày cho nghệ sĩ đó, chỉ có họ diễn mới thành công, nghệ sĩ khác lấy diễn cũng không hay bằng. Bây giờ kịch bản viết chung chung, ai diễn cũng được, thì khó lòng có ngôi sao".
NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: "Với sân khấu, tính tập thể là dĩ nhiên, nhưng khán giả không chỉ đến xem vở diễn mà còn có tình cảm với nghệ sĩ, muốn trông thấy nghệ sĩ. Và có khi chính nghệ sĩ ấy định hình phong cách cho đoàn hát, cho sân khấu. Thí dụ, Thành Lộc đã làm nên phong cách cho IDECAF. Và bên cạnh Thành Lộc lại có một lực lượng nghệ sĩ cùng làm nghề với nhau thật ăn ý. Như một đội bóng vậy, có cầu thủ ngôi sao, nhưng toàn đội phải ăn ý thì mới chiến thắng. Nếu tách ngôi sao sang một môi trường mới thì cũng khá vất vả, phải gầy dựng lại từ đầu để có một tập thể hiểu nhau".
Theo Hoàng Kim/TNO
Bình luận (0)