Khi cuộc sống xã hội thay đổi, công việc của nghề giáo cũng thay đổi, kéo theo bản chất của giáo dục phải thay đổi. Vì thế mà nhiều người đưa ra triết lý có vẻ mâu thuẫn song rất hữu lý: “Bản chất của giáo dục là sự thay đổi”.
Một tiết dạy học với giáo án điện tử ở bậc THCS (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Không có sự thay đổi, không có sự đổi mới, trí tuệ sẽ bị đóng băng, giáo dục sẽ cùng đường vào cửa tử! Từ thời cổ đại, nhà triết gia Hy Lạp Heraclitus đã từng có câu nói nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Chân lý này rất đúng với giáo dục. Cuộc sống như dòng chảy, chân lý cuộc sống cũng như dòng chảy, không ai được lặp lại trong nhận thức của mình. Điều mà F.Hegel ví như viên kim cương, không phải vẻ đẹp do tự thân ánh sáng của nó phát ra, mà là từ góc độ của người nhìn ngắm nó. Và một khi tâm thế người ngắm thay đổi, vẻ đẹp ấy cũng thay đổi, giá trị cuộc sống cũng thay đổi. Câu chuyện cười nhẹ nhàng mà vô cùng thâm thúy sau đây cho ta bài học về sự thay đổi của giáo dục: Sau nhiều năm ra trường, một cựu sinh viên nọ có dịp trở về thăm một giảng viên là giáo sư dạy sử. Thấy trên bàn thầy có nhiều đề kiểm tra, mà toàn là những câu hỏi giống hệt câu hỏi thầy đã hỏi thế hệ anh ta hơn 20 năm trước. Anh ta đem sự thắc mắc ấy hỏi giáo sư dạy sử. Người thầy từ tốn đáp: “Đúng là hơn 20 năm nay câu hỏi không có gì thay đổi nhưng đáp án thì đã khác trước rất nhiều rồi anh ạ!”.
Và khi giáo dục thay đổi, vị thế của người thầy trong xã hội cũng thay đổi theo. Giáo thuyết đạo Nho suy tôn vị thế người thầy chỉ đứng sau vua trong trật tự cương rường: “Quân – Sư – Phụ”. Người thầy dạy chữ được trọng vọng vì được xếp vào đầu ngôi cùng hàng với chức “sĩ” trong xã hội: sĩ – nông – công – thương. Đạo học ngày trước chú trọng đến việc học văn: “Tiên học lễ, hậu học văn” (văn chương, văn học). Từ khi được các nhà Nho tiến bộ chủ trương thay đổi hình thức thi cử, chú trọng thêm toán pháp, và dưới ảnh hưởng của làn sóng phương Tây, chữ “công” mới được chú trọng nâng lên hàng đầu. Vì vậy chữ “văn” trong “hậu học văn” cũng có nghĩa mở rộng là văn hóa nói chung. Cũng từ đó mà khái niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” cũng đã khác, người thầy không còn vị trí độc tôn “không thầy đố mày làm nên” nữa. Tư duy biện chứng của ông bà ta xưa đã lường trước đó, nên không đề cao tuyệt đối vị trí người thầy, mà “học thầy không tày học bạn”. Điều này cũng đã được Khổng Tử từng giáo huấn trong sách Luận ngữ: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên” (trong ba người cùng đi, tất có một người là thầy của ta). Người thầy ở khắp mọi nơi, thầy từ người bạn, thầy trong cuộc sống, thầy ngoài xã hội. Cứ “đi một ngày đàng” là sẽ học được cả “một sàng khôn”.
Giáo viên hướng dẫn học sinh trong giờ học (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Chưa bao giờ vị thế người thầy lại thay đổi nhanh chóng như từ khi có các cuộc cách mạng công nghiệp, từ 1.0 rồi đến 4.0. Cả người dạy và người học đều phải chạy “bở hơi tai” mới mong theo đuổi kịp sự đổi mới của giáo dục, nếu không sẽ bị tụt hậu. |
Chưa bao giờ vị thế người thầy lại thay đổi nhanh chóng như từ khi có các cuộc cách mạng công nghiệp, từ 1.0 rồi đến 4.0. Cả người dạy và người học đều phải chạy “bở hơi tai” mới mong theo đuổi kịp sự đổi mới của giáo dục, nếu không sẽ bị tụt hậu. Trong “trường đua” ấy, thầy trò cũng phải vừa là bạn. Trò học thầy và nhiều khi thầy cũng phải học từ trò. Vì thế người thầy ngày nay phải thay đổi toàn diện về vị trí, tâm thế, trí và lực. Nhất là trong bối cảnh của việc áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới, áp dụng các thông tư mới về kiểm tra và đánh giá, áp dụng các quy tắc ứng xử học đường…, người thầy cần phải đổi mới nhiều hơn. Dưới đây là 10 điều tâm niệm của người viết bài này về vị thế người thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay: Thứ nhất, đồng ý rằng có môn học chính, môn học phụ. Và điều này dễ thường sẽ dẫn đến hệ quả là học sinh thích thú, xem trọng các môn học chính hơn môn học phụ. Nhưng không phải hoàn toàn như thế, học sinh thường thích học môn này của giáo viên này, môn nọ của giáo viên kia là vì phương pháp dạy và tính cách của giáo viên hơn là môn học ấy chính hay phụ. Thứ hai, khi còn học ở trường, học sinh thường thích những giáo viên dễ gần gũi, hòa đồng, thoải mái với các em. Nhưng khi trưởng thành, các em lại có xu hướng đánh giá cao những giáo viên có cách giáo dục nghiêm khắc, kỷ luật. Cũng như thế, lúc còn đi học, nhiều học sinh ghét những giáo viên khó tính, hay bắt các em phải đạt được những gì theo mong muốn của mình. Nhưng khi ra đời, các em lại thầm cảm ơn giáo viên. Thứ ba, giáo viên thường đánh giá năng lực học sinh dưới mức hiểu biết của họ. Vì thế mà phương pháp dạy học dễ nghiêng về truyền thụ một chiều. Tuy nhiên, nếu giáo viên biết khơi gợi để học sinh bày tỏ quan điểm, chính kiến, các em sẽ cho ta nhiều hiểu biết bất ngờ hơn những gì ta nghĩ về các em. Thứ tư, từ cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, đến những thói quen nhỏ nhặt của giáo viên, nhiều khi tưởng chỉ là thoáng qua dưới cái nhìn của học sinh. Nhưng không hẳn như thế. Đối với một số học sinh, những biểu hiện ấy có thể sẽ trở thành thói quen đi suốt cuộc đời của các em. Có khi một nét chữ viết của thầy cũng trở thành thói quen về nét chữ viết của trò mãi sau này. Thứ năm, những học sinh hay mắc lỗi là những em ít biết nhận ra lỗi của mình. Và khi bị giáo viên bắt lỗi thì các em thường cho là bị oan. Nếu giáo viên càng chú ý đến các em, các em càng nghĩ rằng giáo viên có ác cảm. Muốn học sinh tiến bộ, khi bắt lỗi, giáo viên phải biết phân tích thật thuyết phục lỗi sai cho các em. Thứ sáu, học sinh rất sợ phải viết kiểm điểm khi chưa viết một bản kiểm điểm nào. Vì vậy, trong giáo dục, nên lấy biện pháp phòng ngừa, nhắc nhở, răn đe làm chính. Thứ bảy, ranh giới giữa cau có, giận dữ và từ tốn, yêu thương của giáo viên đối với học sinh mong manh như sợi tóc. Giận dữ nhiều khi khiến cho giáo viên đối xử khắc nghiệt với học sinh mà lòng thì không vui. Nhưng nếu biết kiềm chế, lấy từ tốn, yêu thương công tâm dạy bảo, thì bao giờ lòng cũng thanh thản. Thứ tám, giáo viên thường nhớ nhiều nhất về hai đối tượng học sinh khi các em ra trường: thật ngoan, học thật giỏi và rất cá biệt, nghịch ngợm. Thường thì dạng đối tượng thứ nhất dễ cho ta nghĩ về một tương lai tốt đẹp. Và chẳng có hy vọng gì nhiều ở đối tượng thứ hai. Nhưng đâu đó trong đời ta vẫn gặp những người rất thành đạt, rất biết lễ nghĩa… mà trước kia, khi còn đi học, họ thuộc dạng học sinh thứ hai ấy. Thứ chín, có những những nhận xét, đánh giá của giáo viên quyết định đến số phận, cuộc đời của học sinh. Có khi nhận xét ấy mở ra cơ hội để các em thành đạt, nhưng có khi đánh giá ấy lại đẩy các em vào con đường cùng, bế tắc. Thứ mười, không cần phải có thanh tra, thao giảng, dự giờ và chờ kết quả thi cử mới đánh giá được chất lượng giảng dạy. Hãy nhìn vào mắt học sinh trong mỗi tiết học. Ở đó đã nói thay cho giáo viên tất cả cần phải làm gì.
Có nhiều phương pháp và nguyên tắc để giáo dục học sinh. Nhưng không nên áp dụng cứng nhắc một nguyên tắc, một phương pháp nào cả!
Nhà giáo Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)