Mới đây, khi ra mắt album "LINK" Hoàng Thùy Linh đã tặng kèm một xấp giấy in lời các bài hát trong album. Chúng khá hữu dụng, bởi có nhiều đoạn trong một số ca khúc rất khó hoặc không thể nghe rõ cô hát gì.
Ca sĩ Việt, hát tiếng Việt nhưng khán giả khó có thể nghe rõ lời, không thể hiểu ca sĩ đang hát gì… Tình trạng này đã kéo dài từ rất lâu đến giờ. Danh sách các ca sĩ gặp hạn chế này có thể kể đến: Sơn Tùng, Amee, Min, Hoàng Duyên, Wren Evans, Erik, MONO…
MV đầu tay Quên anh đi của MONO (tên thật Nguyễn Việt Hoàng) được đánh giá cao về hình ảnh, giai điệu, nhưng bị khán giả than phiền không nghe được rõ lời. Gần đây, khi biểu diễn live, nam ca sĩ cũng bị chỉ trích vì lý do tương tự. Người nghe đề nghị Amee chạy phụ đề tiếng Việt cho MV Shay nắng, dù nữ ca sĩ hát khá chậm. Trước đó, trong một lần biểu diễn live, Amee cũng được khán giả nhận xét hát tiếng Việt như… tiếng Thái. Nhiều đoạn trong MV Mê của Hoàng Duyên gần như khán giả chỉ nghe cô thều thào. Ở một chương trình khác, khán giả khen Han Sara dẫu là người Hàn nhưng hát tiếng Việt nghe còn êm tai hơn Wren Evans.
Khi ra mắt album LINK, Hoàng Thùy Linh đã tặng kèm một xấp giấy in lời các bài hát trong album bởi nhiều chỗ rất khó nghe rõ lời
Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, thế hệ ca sĩ trẻ, đặc biệt gen Z chịu ảnh hưởng nhiều từ âm nhạc Hàn Quốc, Âu – Mỹ. Trình độ ngoại ngữ của nhóm này cũng tốt hơn thế hệ trước rất nhiều. Vì thế, cách phát âm của ca sĩ khi hát cũng bị ảnh hưởng theo, thường có xu hướng lướt, nối chữ, phiêu… dẫn đến không rõ lời.
Bên cạnh đó, những ca sĩ có giọng hát yếu thường lạm dụng việc lấy hơi mũi, o ép phát âm. Cũng có trường hợp ca sĩ cố tình hát không rõ lời để gây chú ý. Dĩ nhiên, việc này không được ủng hộ. Nhạc sĩ Dương Trường Giang nói: “Việc học hỏi, bắt kịp xu hướng là việc không xấu. Tuy nhiên, giới hạn ở đâu thì người làm nghề cần tỉnh táo để biết điểm dừng. Có thể, giọng hát ban đầu của ca sĩ chưa hoàn hảo nên phải dùng “chiêu” để lấp khuyết điểm. Nhưng ca sĩ phải ý thức được việc rèn luyện để khắc phục, tiến bộ hơn. Sẽ ra sao nếu một thế hệ ca sĩ Việt, hát tiếng Việt nhưng khán giả Việt không hiểu gì?”.
Lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về khán giả. Nếu khán giả chấp nhận thì ca sĩ vẫn có đất sống, còn không, họ buộc phải thay đổi. Thái độ của công chúng cũng chính là quyền lực mềm lên cách làm nghề của ca sĩ. Erik là trường hợp điển hình. Thời gian đầu, cách xử lý bài hát của anh được cho là gia vị lạ với âm nhạc. Nhưng dần dà, cách luyến láy quá đà, phát âm không rõ của Erik bị khán giả chỉ trích. Erik buộc phải thay đổi, thuê thầy chỉnh sửa cách phát âm, lấy hơi. Trong sản phẩm âm nhạc gần nhất, Erik phải qua sáu buổi thu âm mới hài lòng. Trước khi ra mắt, anh đưa sản phẩm cho nhiều người trong nghề nghe, đảm bảo đã khắc phục các khuyết điểm trên.
“Không phải ca khúc nào sinh ra cũng phục vụ nhu cầu nghe, cảm thụ sâu sắc. Có những sáng tác chỉ cần giai điệu hay, giúp khán giả phiêu theo được là đủ. Khi khán giả nghe, thấy hay, thích thú thì bài hát đã làm trọn nhiệm vụ giải trí của chúng. Nhưng khi ca khúc hoàn toàn có thể hát rõ lời, thì ca sĩ phải truyền tải trọn vẹn đến công chúng”, nhạc sĩ Hoài Sa nói.
Theo Trung Sơn/PNO
Bình luận (0)