Lại một mùa tuyển sinh nữa sắp tới. Những trăn trở về chọn ngành nghề cho con em của các bậc phụ huynh lại nóng hơn bao giờ hết. Câu hỏi “định hướng nghề nghiệp như thế nào là phù hợp với con em mình?” lại được đặt ra, và câu hỏi này luôn là bài toán thật sự nan giải từ năm này qua năm khác.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM đang tư vấn cho học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Anh |
Chọn đúng nghề – bài toán thật sự quan trọng mà mỗi con người chúng ta đều cần phải tìm ra cho mình đáp án. Đáp án đúng, cuộc đời sẽ nở hoa. Đáp án sai, chúng ta buộc phải làm lại từ đầu, mà cuộc sống này đôi khi còn không cho mình cơ hội. Do vậy, chọn đúng nghề ngay từ đầu là điều cần thiết mà một học sinh (HS) chuẩn bị rời ghế nhà trường cần phải trang bị cho mình và xem đó như một kỹ năng.
18 tuổi, đó là tuổi không còn nhỏ, ở lứa tuổi này, các em đã định hình được cho mình mơ ước và khát khao. Các em phải tự hỏi, ước mơ của mình là gì và hãy kiên trì theo đuổi ước mơ đó bằng cách chọn ngành nghề phù hợp để khi ra trường các em có thể trở thành người các em mong muốn. Ở Việt Nam cho đến tận bây giờ, đã có rất nhiều thế hệ mà ở đó HS chọn đi sai đường nghề nghiệp rất nhiều. Người mê văn đi học kinh tế, người thích kinh tế đi học kỹ thuật, người thích hàng không lại đi học giáo viên… Không phải họ không có ước mơ, mà là những ước mơ của các bạn trẻ ấy vì một lý do nào đó không thể thực hiện được. Nhà không có điều kiện kinh tế để theo học, nghề nghiệp ấy thời điểm đó chưa phát triển, nghề đó không ai học… và đặc biệt có nguyên nhân từ sự định hướng sai lệch của phụ huynh mà các bạn ấy phải nghe theo. Cha mẹ nghĩ rằng nghề mơ ước của các bạn ấy không làm ra được nhiều tiền, vất vả, khó tìm việc… và họ tự hoạch định tương lai cho con em mình bằng một nghề đang hot khác. Và đó là hậu quả của việc hiện nay người Việt Nam làng nhàng, an phận rất nhiều vì trước đó không chọn được nghề nghiệp để mình đam mê, để mình bùng nổ.
Việc hướng nghiệp cho HS bậc THPT ở nước ta là quá muộn. Ở nước ngoài, việc hướng nghiệp được chú trọng ngay từ bậc THCS. Những nước này, HS tự quyết định học các môn năng khiếu mà mình yêu thích khi bước vào năm đầu THCS. Các em sẽ được vừa học vừa trải nghiệm bản thân xem mình phù hợp với ngành nghề nào nhất, vì thế tỷ lệ chọn nhầm nghề của HS rất thấp… |
Tuy nhiên, đó là chuyện ngày xưa, ngày nay đã khác. Những năm gần đây, ở các trường THPT, việc định hướng nghề nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn từ giáo viên, phụ huynh… Thông tin nghề nghiệp ngày nay đã được phổ quát và ý kiến về nghề nghiệp của các em cũng đã được tôn trọng. Dù việc định hướng nghề nghiệp đã được chú trọng hơn nhưng ở các trường ĐH vẫn còn tình trạng rất nhiều sinh viên trốn học hay lên lớp ngủ gật. Tất nhiên, yếu tố chán nản giờ học của sinh viên có thể xuất phát từ bài giảng của giảng viên, nhưng đằng sau đó là một sự không nỗ lực, không cố gắng, không chú tâm của các em để đón nhận kiến thức, vì các em thiếu tình yêu với nghề nghiệp tương lai của mình.
Nếu làm một cuộc phỏng vấn sinh viên ở các trường ĐH, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng có rất ít sinh viên đam mê ngành nghề mình đang học. Thường câu trả lời của các em sẽ là ba mẹ thích em theo ngành đó, hoặc là ba mẹ thấy nghề đó đang… hot. Chưa kể sẽ có một số câu trả lời nghe xong cười ra nước mắt: em không biết chọn nghề nào nên chọn đại, hoặc là em không biết mình hợp với nghề nào, hoặc là ba mẹ bảo đảm em sẽ có việc làm nếu học ngành đó… Những sinh viên ấy, hiện nay đang có rất nhiều, sẽ trở thành người bàng quan với tương lai của mình, có ra sao cũng được vì đây đâu phải nghề mình mơ ước. Khi ra trường các em sẽ chọn đại một công việc và trở thành người lặng lẽ trong cuộc đời. Và sau này khi nghề nghiệp không như ý muốn, các em cũng cam tâm chấp nhận rằng mình đi sai hướng, cuộc sống có việc làm như vậy là may. Nếu đất nước phần đông là những người như vậy, chúng ta mãi mãi sẽ chẳng phát triển được. Vì tài nguyên nguồn nhân lực đã bị triệt tiêu từ trong trứng nước hết rồi. Tại sao lại như vậy? Phải chăng việc định hướng nghề nghiệp cho HS chúng ta làm chưa tới nơi tới chốn? Có trường làm được, có trường chưa làm được. Có phụ huynh hiểu, có phụ huynh chưa hiểu. Có HS nhận thức được, có HS chưa nhận thức được về nghề nghiệp tương lai.
Ngô Thị Thanh Tiên
(Giảng viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM)
5 bước cơ bản cho việc chọn nghề Bước 1: Phải phân tích cho HS hiểu bản thân các em phải nhận biết mình thích gì, ước mơ gì. Thầy cô, cha mẹ có thể giúp các em trong việc định hướng nghề nghiệp, tuy nhiên, trách nhiệm lớn lao đó không thể thay thế cho sự nhận thức bản thân của các em. Bởi các em thật sự cần gì, muốn gì, chỉ có bản thân mình biết rõ nhất. Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, các em hãy bắt đầu từ sở thích (ưu tiên cho những sở trường như viết, vẽ, âm nhạc…), tính cách và điều kiện của mình. Sau đó chọn ra những nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Nghề cuối cùng còn lại là nghề em sẽ chọn để đăng ký học. Bước 2: Tư vấn cho các em xác định năng lực học tập và điều kiện hiện tại của mình có hợp với nghề không. Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành mà các em định theo học. Ngoài ra phải xem điều kiện hiện tại của các em có phù hợp với nghề sẽ chọn không… Bước 3: Sau khi đã chọn được nghề mình mong muốn theo đuổi, các em phải tận dụng các cơ hội có được làm một số việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để xem thử năng lực, tính cách của bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không. Ví dụ: Nếu mê kinh doanh, em hãy dành tiền tiết kiệm của mình để làm thử nghề buôn bán nhỏ, đối tượng là các bạn học, hàng hóa là bút, viết, tập vở… Bước 4: Tìm hiểu về nghề mình sẽ chọn. Các em có thể tiếp cận kiến thức bằng nhiều cách, từ internet, từ sách vở, từ các anh chị đi trước, tham gia các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến nghề nghiệp, tham khảo những lời khuyên bổ ích từ gia đình, nhà trường hoặc từ các nhà tư vấn hướng nghiệp. Những kiến thức em cần phải nắm về nghề của mình là: tên ngành học là gì, những trường nào đào tạo, đào tạo chương trình ra sao, học xong các em sẽ trở thành người như thế nào, thi khối gì, thị trường việc làm của nghề đó hiện nay… Bước 5: Chuẩn bị tinh thần rớt ĐH. Các em phải xác định rằng: ĐH không phải là tất cả. Nếu vì một lý do nào đó các em không thi được ĐH hay không đỗ ĐH, với ngành học đó vẫn còn có các trường CĐ, TCCN giảng dạy. Đừng vội vã chọn một ngành không thuộc sở thích của mình chỉ vì để đậu ĐH. Không đi được đường thẳng, các em có thể đi đường vòng. |
Bình luận (0)