Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao không cho con chơi với bạn?

Tạp Chí Giáo Dục

Ở trong xóm nhỏ, nhưng hoàn cảnh hai nhà khác nhau. Một gia đình đưa đón con đi học bằng xe hơi hoặc thuê xe ôm gần nhà khi cha mẹ không đưa con đến trường được vì có việc bận. Một gia đình để con tự đến trường bằng xe đạp. Cả hai đứa đều học lớp 7. Chiều về, thằng bé đi xe đạp tự do tung tăng ngoài ngõ hẻm, đá bóng nhựa, hò hét với bạn bè… Đến nỗi một số gia đình hàng xóm có lần đề nghị phải hạn chế sự vui chơi của nó. Còn thằng bé kia thì bị nhốt vào nhà bằng các bộ phim và thiết bị công nghệ sau giờ đi học. Vì thế có dịp được chạy bên ngoài với đám bạn ở hẻm ít phút là sự tự do vô cùng quý với nó.

“Mẹ nói con nghe, chơi ngoài hẻm chật chội, đông đúc nguy hiểm lắm, xe cộ không may va chạm dễ tai nạn con ạ. Với lại, hẻm nhiều đất cát bụi bẩn, dơ đồ của con”, người mẹ nói với con như thế để giải thích cho sự cấm cản, và tất nhiên bà nói có lý. “Thế mẹ để con sang nhà bên chơi với bạn nha mẹ?”, đứa con mè nheo. “Không được, nó quậy phá lắm. Nó không tốt vì bị mọi người phản ánh gây mất trật tự”, người mẹ giải thích về việc tại sao không cho con chơi với bạn. Đứa con đành ngậm ngùi ôm lấy máy tính bảng.

Tôi đem những gì chứng kiến được hỏi một cách tế nhị gia đình khó khăn hơn về việc chăm sóc con. Người mẹ điềm đạm cho rằng, cũng mong gia đình sung túc, con cái có điều kiện học tập tốt và tham gia các lớp kỹ năng nhưng vì điều kiện có hạn nên để con chơi ở hẻm nhỏ, gây ồn ào cho lối xóm.

Những gì tôi thấy phản ánh hai quan điểm giáo dục của hai gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Một nhà nghèo, để con tự lập khi đi xe đạp tới trường, qua đó sẽ rèn tính tự lập, tự xử lý các tình huống va chạm thường ngày mà đôi khi có thể nguy hiểm. Đối lại, gia đình kia lại bao bọc con trong các lớp ngoại khóa, với suy nghĩ con sẽ hình thành những kỹ năng cần thiết nơi các khóa học. Cho con sự tiện nghi và an tâm với một môi trường an toàn.

Hai gia đình đều có lý cho sự lựa chọn sắp đặt con vào từng môi trường với điều kiện hoàn cảnh riêng của gia đình mình. Nhưng vì bạn nghèo, thiếu thốn mà không cho con chơi chung là thiếu sự chia sẻ tình cảm; không cho con chơi với bạn vì bạn bị hàng xóm phản ánh gây ồn ào là chưa hiểu con trẻ. Ai cũng một lần trải qua làm con trẻ, ý thức chưa cao, hiếu động là hiển nhiên. Để trẻ vận động trong khuôn khổ hay để trẻ vâng lời nghe theo chỉ dẫn là một điều cần có sự đắn đo và cân nhắc từ phụ huynh, để mục đích con trẻ phát triển bình thường cũng như không tạo nên khoảng cách phân bì giữa các bạn của con.

Nguyễn Minh Thanh

Bình luận (0)