Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập huấn giáo viên tiếp cận CMCN 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

“Trong giai đoạn hiện nay, các ngành nghề không có trong danh mục còn nhiều hơn cả trong danh mục. Vậy giáo viên phải tư vấn như thế nào để trang bị kiến thức, hiểu biết cho học sinh về ngành nghề, từ đó giúp các em định hướng được ngành học phù hợp”, vấn đề này được TS. Nguyễn Văn Thuỵ – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đặt ra cho hơn 200 cán bộ, giáo viên trung học tại TP.HCM trong chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực hướng nghiệp và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra vào ngày 16-12 tại ĐH Ngân hàng TP.HCM.


Giáo viên giao lưu cùng chuyên gia trong chương trình

Chương trình do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc Gia TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cung cấp cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ tốt hơn công tác hướng nghiệp cho học sinh trong thời đại 4.0, hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Kết thúc buổi tập huấn đầu tiên, hơn 200 cán bộ, giáo viên trung học đã được trao Giấy chứng nhận Hoàn thành lớp tập huấn.

Tạo môi trường để học sinh được phát huy năng lực

Theo TS. Nguyễn Văn Thuỵ, tác động của cuộc CMCN 4.0 đã làm thay đổi căn bản và toàn diện nhiều lĩnh vực, kể cả làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ con người. Những kỹ năng nghề sẽ quyết định đến tính cạnh tranh của người lao động, từ đó phát sinh thị trường lao động ngày càng tách biệt giữa hai lĩnh vực: kỹ năng thấp  – thu nhập thấp; kỹ năng cao – thu nhập cao. “Sẽ có 9 nhóm ngành nghề thu hút lao động nhất, bao gồm: Du lịch, Thương mại, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Giáo dục đào tạo, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm, Y tế, Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng, Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ nghiên cứu và triển khai, Dịch vụ bưu chính viễn thông và CNTT. Tại TP.HCM, trong cuộc CMCN 4.0, các ngành nghề sẽ có sự dịch chuyển. Trong đó, các ngành nghề thu hút nhu cầu nhân lực cao bao gồm: Kỹ thuật công nghệ (35%), Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (33%), Khoa học – Xã hội nhân văn – Du lịch (8%), Khoa học tự nhiên (7%), Sư phạm – Quản lý giáo dục (5%), Y dược (5%), Nghệ thuật – Thể dục thể thao (4%), Nông lâm – Thuỷ sản (3%)”, TS. Thuỷ thông tin.

Vai trò của giáo viên trong giai đoạn này là gì?, TS. Thuỷ cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ giáo viên phải khai thác sự sáng tạo của học trò, tạo điều kiện, tạo môi trường để học sinh sáng tạo, dám nghĩ xa, nghĩ lạ, thấu hiểu để hỗ trợ học sinh định hướng theo nhu cầu chứ không áp đặt.

Trong câu chuyện lựa chọn ngành nghề của học sinh, TS. Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, xu hướng chọn ngành của học sinh đa phần dựa vào thông tin truyền thông, hiệu ứng đám đông, hiệu ứng bạn bè hay thậm chí là ba mẹ chọn giùm con, áp đặt ngành nghề cho con.


TS. Lê Thị Thanh Mai trao Giấy chứng nhận Hoàn thành lớp tập huấn cho giáo viên

“Nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp tại trường học là phát triển các năng lực hướng nghiệp của học sinh. Các năng lực đó sẽ là nhận thức bản thân, nhận thức nghề nghiệp và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp. Việc hướng nghiệp này cần phải được làm dài hơi, liên tục ngay từ khi lớp 10. Tuy nhiên, nhà trường và gia đình chỉ có vai trò dẫn dắt, trao cho các em cơ hội để tiếp cận các kiến thức chuyên sâu còn quyết định vẫn là ở bản thân các em”, TS. Mai nhấn mạnh.

Cách nào để truyền động lực, tăng hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh?

Giải đáp băn khoăn này của giáo viên, PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, muốn tạo động lực cho học sinh thì trước tiên chính bản thân giáo viên cũng phải có động lực, không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo. Điều này thể hiện trong phương pháp, cách thức giảng dạy của thầy cô qua từng bài giảng, qua việc tự học, tự nghiên cứu, nỗ lực làm mới bản thân. “Chính giáo viên phải máu lửa trong từng bài giảng, máu lửa với nghề thì mới có thể thúc đẩy được học sinh mình tiến lên, có động lực”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung chỉ rõ.


PGS.TS Nguyễn Đức Trung trao Giấy chứng nhận Hoàn thành lớp tập huấn cho giáo viên

Bổ sung thêm, TS. Nguyễn Văn Thuỵ cho rằng, để tạo động lực cho học sinh thì giáo viên phải hiểu được học sinh có năng lực gì để đi sâu vào vấn đề đó. Song song với việc truyền động lực, giáo viên phải hỗ trợ học sinh xác định động lực, mục tiêu học tập, bằng cách trao cho học sinh cơ hội để phát huy trong môi trường học tập.

Kết thúc khoá tập huấn hướng nghiệp, hơn 200 giáo viên cốt cán đến từ các trường trung học trên địa bàn 12 quận (từ Q.1 đến Q.12) đã được trao Giấy chứng nhận Hoàn thành lớp tập huấn. Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị trong buổi tập huấn sẽ là bước đệm để các nhà trường thực hiện tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh gắn với cuộc CMCN 4.0.


Nhiều giáo viên hoàn thành buổi tập huấn

Hôm nay, ngày 17-12, khoá tập huấn tiếp tục được diễn ra với sự tham gia của hơn 200 cán bộ, giáo viên ở 12 quận, huyện còn lại trên địa bàn TP.HCM, bao gồm các Quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè.  

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)