Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những mảnh đời xuất khẩu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Xuất khẩu lao động vốn là một thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam và luôn là mơ ước của nhiều thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây do yêu cầu cao hơn của đối tác và chất lượng càng yếu của người lao động nên thị trường xuất khẩu lao động vẫn là bài toán khó với nhiều “mảng tối” trong xu thế hội nhập.

Bài 1: Tìm miền đất hứa

Trần Ngọc Lĩnh ngày đầu đặt chân đến TP.Osaka (Nhật Bản) 

Trước tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực lao động ở các nước phát triển, lực lượng xuất khẩu lao động từ các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu về sức lao động trong sản xuất.

Theo con số thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2015 đã có hơn 120 ngàn người được đưa đi xuất khẩu lao động ở các nước, vượt 20% kế hoạch trong năm đã đề ra trước đó. Rõ ràng cánh cửa xuất khẩu lao động đã được mở rộng hơn nhiều so với thời gian trước đây.

Giấc mơ bán sức lao động

Năm 2014 đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Long Thành, Trần Ngọc Lĩnh, quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) được người nhà làm chung phân xưởng hứa hẹn cho đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tuy nhiên phải chờ tới một năm sau kế hoạch đó mới được thực hiện. Vào tháng 10-2016, sau khi làm xong thủ tục Lĩnh đã cùng nhóm bạn 12 người bay sang TP.Osaka để làm công nhân lắp ráp linh kiện tại một nhà máy trong 4 năm đúng như hợp đồng. Tuy mất 100 triệu nhưng vợ chồng ông Sơn – bố mẹ của Lĩnh cũng thấy thỏa mãn vì đứa con trai út đã thực hiện được ước nguyện của gia đình.

Mặc dù đã tốt nghiệp cử nhân tại Trường ĐH Quy Nhơn nhưng không tìm được việc làm Nhà nước nên Phạm Nguyên Phú, quê ở Quảng Nam vẫn phải vào TP.HCM đi làm ngoài tại Q.Thủ Đức. Cũng nhờ người nhà giới thiệu mà Phú đã có tên trong danh sách đi xuất khẩu lao động tại tỉnh nhà. Trước khi đi không ít người khuyên cản vì anh đã ngoài 30 tuổi lại có bằng cấp “ngon lành”. Thế nhưng mong ước được đến miền đất hứa nên chàng trai xứ Quảng đã bỏ việc giữa chừng để thực hiện chuyến hành trình xuất khẩu lao động ở đất nước hoa anh đào. Phú từng chia sẻ, dù lớn tuổi nhưng công việc ở TP.HCM không ổn định, về quê lại càng khó khăn hơn, biết là đã muộn nhưng có còn hơn không với lại 4 năm thì cũng không dài.

Không được thuận lợi như Lĩnh và Phú, Phan Quốc T. quê ở Nghệ An phải nhờ bố mẹ “mua” được một suất đi lao động ở An-giê-ri với giá 50 triệu đồng. Năm 2014 sau khi tốt nghiệp THPT, biết lượng sức mình nên T. không thi tiếp đại học mà đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Ninh. Vốn được cưng chiều từ bé nên chàng trai 21 tuổi không quen lao động chân tay. Vả lại đồng lương còm cõi của công nhân dù phải thường xuyên tăng ca vẫn không đủ chi phí tiền trọ và cách xài sang của cậu quý tử. Mong muốn con thay đổi môi trường sống nên cha mẹ đã quyết định thực hiện một “nước cờ” mới dù rất mạo hiểm.

Tiêu chuẩn hàng đầu 

Đi làm những công việc lao động tay chân như thợ xây dựng, thợ may, cơ khí hay giúp việc, chăm người già đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Vì thế điều kiện đầu tiên của các ứng viên đi xuất khẩu lao động là có thể lực tốt đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Trần Quang H., sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh dù đã có tên trong danh sách ứng viên nhưng do “thấp bé nhẹ cân” nên bị rớt ngay từ vòng loại khám sức khỏe. H. cho biết, những người dù trẻ bề ngoài to cao bị bệnh truyền nhiễm như lao, viêm phổi, suy tim hay cả bệnh đường ruột, da liễu cũng bị loại trừ. Do không khám trước tại địa phương nên đành mất toàn bộ chi phí bay ra Hà Nội đi khám bệnh. Riêng lao động nữ tuy số lượng không nhiều nhưng ai đi khám sức khỏe đều phải được phỏng vấn thêm chuyện thai sản.

Nhiều người quan niệm rằng đi xuất khẩu lao động không cần biết ngoại ngữ vì đã có phiên dịch và chẳng đòi hỏi giao tiếp nhiều, tuy nhiên thực tế thì không phải như vậy. Trừ các ứng viên ô-sin đi giúp việc, một số thị trường lao động như của quốc gia Singapore, An-giê-ri đòi hỏi ứng viên phải biết tiếng Anh và cả tiếng Trung. Ngoài Anh ngữ các ứng viên xuất khẩu lao động sang đất nước mặt trời mọc phải biết thêm tiếng Nhật dù chỉ ở mức độ giao tiếp. Vì thế trước khi làm thủ tục lên máy bay xuất ngoại, Lĩnh, Phú đều phải học tiếng Nhật cấp tốc trong 3 tháng để có chút vốn liếng ngoại ngữ “dằn túi” do dịch vụ nơi tuyển dụng lao động mở lớp.

Bài, ảnh: Quang Phan

Kỳ tới: Nhọc nhằn nơi xứ người

 

Bình luận (0)