Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp học giúp học sinh tiếp cận thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm giúp học sinh (HS) tiếp cận và áp dụng kiến thức đã học vào đời sống thực tế, mang lại hiệu quả trong học tập, nhóm giáo viên tiếng Pháp của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) đã xây dựng dự án “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ” đưa vào dạy học chính thức ở học kì 1 năm học 2015-2016. Nhiều HS tham gia dự án tỏ ra rất hứng thú từ những tiết học thực tế sinh động…

Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám thuyết trình sản phẩm từ dự án “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ”

Bài học sinh động

Cô Văn Anh Đào, giáo viên phụ trách dự án “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ”, cho biết dự án được xây dựng nhằm giúp HS có những tiết học hiệu quả hơn, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch bằng tiếng Pháp để giới thiệu về thành phố Đà Nẵng với bè bạn quốc tế, đặc biệt là du khách thuộc cộng đồng Pháp ngữ. Có một thực tế là vài năm gần đây, khi Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn ở miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung, mỗi năm thành phố này đón hàng triệu lượt khách du lịch, trong đó có hàng chục ngàn lượt khách đến từ các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ như Pháp, Bỉ, Canada… Tuy nhiên, số lượng hướng dẫn viên Pháp ngữ chỉ có 101 người, tài liệu giới thiệu về thành phố bằng tiếng Pháp cho các đối tượng du khách này còn khan hiếm.

Xuất phát từ thực tế đó, nhóm giáo viên tiếng Pháp tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã xây dựng dự án, đến tháng 3-2015 đưa vào thí điểm tại trường. Sau khi đánh giá hiệu quả và sự hưởng ứng của HS trong từng tiết học cũng như nhu cầu của các em, năm học 2015-2016, dự án chính thức triển khai ở gần 10 lớp tiếng Pháp ngoại ngữ 2 của Trường THPT Hoàng Hoa Thám và 2 lớp ở Trường THPT Phan Châu Trinh. Cô Anh Đào cho biết: “Dự án được xây dựng bao gồm 10 tiết dạy. Trong đó, giáo viên chú trọng phần hướng dẫn HS cách tiếp cận, tìm hiểu và khai thác thông tin. Cung cấp cho các em vốn từ vựng phù hợp với nội dung dự án… Sau đó, HS tự chia nhóm để thực hiện các đề tài của mình bằng cách đi thực tế để tìm kiếm các địa điểm cần đến rồi tìm thông tin, chụp ảnh, phỏng vấn… Kết quả cuối cùng là sản phẩm được dịch ra bằng tiếng Pháp về các thông tin, điểm đến trên địa bàn thành phố. Thú vị hơn là có nhiều nhóm còn có sản phẩm từ những câu chuyện kể về đời sống của những cư dân bình dị nơi các em đến”. 

Sản phẩm của học sinh: thông tin về điểm đến du lịch Đà Nẵng

Em Nguyễn Thùy Vân, HS lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, chia sẻ: “Sau các tiết học trên lớp được cô giáo hướng dẫn tận tình, nhóm em bắt tay vào làm đề tài bản đồ du lịch Đà Nẵng. Thật sự thì lúc đầu khi đi thực tế, tiếp cận phỏng vấn du khách chúng em còn nhiều e ngại. Sau đó, qua vài cuộc nói chuyện với du khách nói tiếng Pháp thì chúng em thấy tự tin hơn nhiều. Nhờ đó, nhanh chóng hoàn thành được đề tài mà nhóm chọn. Đặc biệt là vừa được học lý thuyết rồi áp dụng ngay vào thực tiễn, chúng em cảm thấy rất thú vị, bài học bổ ích hơn như rèn luyện thêm về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… Những kỹ năng đó lâu nay chúng em ít được rèn luyện hoặc nếu có thì cũng còn rất rụt rè”. Còn em Nguyễn Hồng Anh (học cùng lớp với Thùy Vân) bộc bạch: “Lâu nay phần lớn các nhân vật em chỉ được học qua sách vở. Thông qua chuyên đề này, em đã có cơ hội tiếp cận nhiều người, được họ chia sẻ về những điều xung quanh đời sống của họ. Từ đó em hiểu hơn về giá trị cuộc sống cũng như mạnh dạn hơn trong cách tiếp cận, trò chuyện với mọi người. Qua đi thực tế, em hiểu hơn về lịch sử và địa lý Đà Nẵng. Điểm khó nhất trong quá trình thực hiện chuyên đề của nhóm em đó là khi chuyển ngữ những câu chuyện tiếng Việt sang tiếng Pháp. Những lúc gặp khó khăn, nhóm nhờ cô giáo hướng dẫn cách sử dụng từ ngữ, ngữ pháp… để hoàn thành công việc”.

Hiệu quả tích cực

Theo đánh giá của cô Anh Đào, dự án “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ” đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình dạy học. Các em HS được áp dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn hàng ngày”. Cô Anh Đào cho biết thêm: “Các em HS rất thích thú khi được học dự án này. Kết thúc học kì, cũng là thời gian kết thúc dự án, nhưng có rất nhiều HS đề nghị được tiếp tục học trong học kỳ 2 mặc dù các em phải dành thời gian để học chương trình tiếng Pháp chính khóa theo quy định. Theo dự định của chúng tôi, sang học kì 1 năm học 2016-2017 sẽ tiếp tục triển khai dự án”.

Được biết, sau kết thúc học kỳ 1, các em HS đã có nhiều sản phẩm sáng tạo có thể đưa vào phục vụ du khách. Đơn cử như kẹp sách nhỏ gọn, trích dẫn thông tin một số điểm đến của Đà Nẵng kèm theo hình vẽ minh họa. Sản phẩm này được Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đánh giá cao. “Thông qua dự án này không chỉ tác động tích cực đến phương pháp giảng dạy áp dụng thực tiễn mà còn đem lại hiệu quả cao cho HS trong quá trình học tập và rèn luyện. Hình thành các kỹ năng cho các em. Dự định sau khi HS kết thúc kì thi học kì 2, cô – trò sẽ lập trang web để đăng tải sản phẩm của các em sáng tạo ra hoặc tìm và phối hợp với các địa điểm du lịch để đưa sản phẩm của HS đến giới thiệu với du khách, mang lại hiệu quả cao hơn”, cô Anh Đào cho hay.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đánh giá cao hiệu quả của dạy học theo dự án này. Bà mong muốn phương pháp dạy học này sẽ được áp dụng trong nhiều môn học khác để nâng cao hiệu quả dạy học gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. “Dự án “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ” với sự nỗ lực của các giáo viên phụ trách đã giúp HS có cơ hội trải nghiệm thực tế để rèn luyện kỹ năng. Đồng thời HS còn có cơ hội tạo ra những sản phẩm, thông điệp có ý nghĩa trong cuộc sống. Thông qua đó, các em có dịp tìm hiểu tiềm năng du lịch của thành phố, góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cho HS sau khi tốt nghiệp THPT”, bà Thuận nói.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)