Theo nhiều giáo viên, giờ dạy thiếu các câu hỏi của học sinh thì sẽ mất đi sự sinh động. Ảnh: A.Khôi |
Sau khi đọc bài Trẻ cần được dạy tư duy phản biện (Báo Giáo dục TP.HCM, ra ngày 20-4-2016), tôi mạn phép nêu một số ý kiến đề cập đến vấn đề trên.
Hiện nay môn ngữ văn đang có xu thế đổi mới trong cách ra đề dạng mở để học sinh có “đất” trình bày, bộc lộ ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra. Đề văn không nhất thiết là bài đã học trên lớp mà muốn hiểu được đề, phải có quá trình tạo “nền” kiến thức thông qua các phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo. Nhưng vì sao phần nhiều học sinh chỉ học một cách chăm chú, cắm cúi ghi chép lời của thầy cô giảng; không biết phản biện, lật ngược vấn đề để hiểu vấn đề thấu đáo, cặn kẽ hơn?
Muốn khắc sâu kiến thức, muốn kiến thức được “lưu” bền vững thì có nhiều phương pháp. Trong đó có cách giáo viên nêu vấn đề và sự định hướng phản biện cho học sinh. Nhưng học sinh muốn phản biện có hiệu quả thì cần có một khối lượng kiến thức cả chiều rộng lẫn chiều sâu để lập luận, lý giải làm rõ vấn đề. Tiếc thay, do nhiều nguyên nhân như nhiều môn học trong nhà trường (13 môn, chưa kể ngoại khóa); bài vở nhiều dẫn đến quá tải trong học tập. Vì vậy, theo ý kiến của các em, còn thời gian đâu mà tìm hiểu, mở rộng, nâng cao kiến thức?
Nói “học sinh ít phản biện” cũng phải nhìn nhận lại từ phía người dạy, bởi người dạy có khơi gợi ra, đặt vấn đề ra thì học sinh mới có hứng thú tìm hiểu, trao đổi với nhau, với thầy cô. |
Do đó, vào giờ học, các em học có tính chất “trả nợ quỷ thần” chứ không phải học đầy hứng thú với tinh thần ham học hỏi! Qua tìm hiểu, tôi biết không phải các em không có thời giờ rảnh rỗi mà là các em bị lôi cuốn vào facebook, vào các trang mạng bởi những thứ này “hấp dẫn, phong phú hơn” những trang sách. Các em có thể ngồi hàng giờ “tám”, “chạy lăng xăng” trên mạng này qua mạng khác để mua sắm, sưu tầm hàng hiệu, áo quần thời trang hơn là sưu tầm kiến thức!
Ngay cả giáo viên cũng vậy, cứ rảnh rỗi là lên mạng, lên facebook chứ bây giờ ít người lên mạng để tìm hiểu thêm kiến thức cho bài giảng mình sinh động, hấp dẫn hơn. Họ tự bằng lòng với tấm bằng, tự hài lòng với “chỗ đứng” của mình; chấp nhận làm “thợ dạy lành nghề” chứ không phấn đấu làm “thầy dạy tâm huyết”. Vì sao? Vì dạy giỏi, dạy hay bây giờ cũng chẳng ai khen; dạy dở, dạy chán cũng chẳng ai chê, trách phạt nên cuối năm “hòa cả làng”. Tất cả đều “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; tất cả đều là “lao động giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua”…
Nói “học sinh ít phản biện” cũng phải nhìn nhận lại từ phía người dạy, bởi người dạy có khơi gợi ra, đặt vấn đề ra thì học sinh mới có hứng thú tìm hiểu, trao đổi với nhau, với thầy cô. Giáo viên cũng ngại đưa ra vấn đề, sợ mất thời gian mà tiết học chỉ gói gọn trong 45 phút nên nhiều người chọn “giải pháp an toàn” là cứ bám vào sách giáo khoa để đảm bảo kiến thức cơ bản trong thời lượng cho phép; không dám mở rộng vấn đề.
Giờ dạy mà không có sự phản biện của học sinh qua các câu hỏi, các vấn đề nêu ra thì giờ dạy ấy mất đi sự sinh động, chỉ là kiến thức áp đặt một chiều từ sách, từ người dạy mà thôi.
Thạch Hoàng Sa (Sóc Trăng)
Bình luận (0)