Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khổ… như sống trong nhà hầm

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ tưởng nhà hầm chỉ có trong thời chiến, nào ngờ trong thời bình và ngay chính trung tâm kinh tế lớn nhất nước – TP.HCM, người dân vẫn phải sống trong… nhà hầm. TP hiện có hàng vạn nhà hầm, tập trung nhiều nhất ở các quận 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức. Điều đáng nói là người dân trong nhà hầm gặp rất nhiều khó khăn, đi không được mà ở cũng chẳng xong…

Thu nhập từ quán bán đồ ăn sáng của gia đình bà Tăng Kim Hòa ngày càng thấp vì mặt đường cao hơn nền nhà

Nhà hầm… giữa phố

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân nhà dân biến thành nhà hầm là do phục vụ các công trình, dự án chống ngập, mở rộng và nâng cấp đường, hẻm.

Mới đây, công trình cải tạo hệ thống thoát nước phục vụ chống ngập tại đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) khiến hàng chục hộ dân hẻm 574 phải khốn đốn bởi nhà thấp hơn mặt hẻm. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án chống ngập này đã nâng cao từ 0,7 đến 1,5m so với ban đầu. Dự án triển khai, người dân chưa kịp mừng thì phải khổ sở vì cảnh leo thang, làm bậc thềm phía trong nhà để ra vào. Còn nâng nền nhà cao hơn, thậm chí chỉ bằng hẻm thì dân không biết kiếm đâu ra tiền.

“Thanh niên khỏe mạnh thì không nói gì, trẻ con, người già ra vào nhà rất khó khăn, phải ẵm bồng vất vả. Từ khi nhà biến thành hầm, gia đình phải đi gửi 4 chiếc xe máy bên ngoài, mỗi tháng mất một khoản tiền không hề nhỏ. Còn nâng nền ư? Nâng nền thì phải nâng cả mái, xây cao tường, tốn ít lắm cũng trên 100 triệu đồng. Tiền đâu mà nâng”, ông Nguyễn Văn Hà, một hộ dân ở đây bức xúc nói.

Hàng xóm của ông Hà là bà Tăng Kim Hòa (ngụ 574/1 Kinh Dương Vương) cũng bức xúc: “Giờ phải đập bỏ xây mới chứ nền thế này, tường lại nứt nhiều chỗ không biết sập lúc nào”.

Không những thế, nhiều hộ dân ở đây mưu sinh bằng việc bán tạp hóa, nước giải khát tại nhà. Tuy nhiên từ ngày đường, hẻm cao hơn nền nhà thì nguồn thu nhập chính của họ lại thấp xuống. Anh Phong (con bà Hòa) cho biết: “Tiệm bán đồ ăn sáng là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình với nhiều miệng ăn nhưng mấy tháng nay ế ẩm lắm”.

Nhà hầm xuất hiện tại TP.HCM những năm trước có thể kể đến nhà dân hai bên quốc lộ 50, đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Linh hướng về xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Thời điểm ấy, hàng trăm hộ dân phải khốn đốn vì chạy vạy để sửa chữa, nâng nền khi dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ này hoàn thành. “Lúc bấy giờ, không ít hộ dân cám cảnh sống trong nhà hầm, không có tiền nâng nhà đành phải bán đổ bán tháo tìm nơi ở mới”, ông Vũ Thanh Việt (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) nhớ lại.

Những năm gần đây, dự án chống ngập do Trung tâm Chống ngập TP.HCM thực hiện tại các tuyến đường Phạm Văn Chí, Lò Gốm, Kinh Dương Vương thuộc các quận 6, Bình Tân, Bình Chánh… đã phần nào giải quyết được tình trạng ngập nước chung của TP. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, nhà dân biến thành hầm và là những “hồ chứa nước”, gây xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân. Trong đó, nhiều hộ chỉ có thể đập bỏ và xây mới chứ không thể cải tạo được nữa.

Đại lộ Phạm Văn Đồng đưa vào sử dụng cũng là lúc hàng trăm hộ dân ở hai quận Bình Thạnh và Thủ Đức phải lo vay tiền để nâng nền. Không ít hộ dân phải sống trong những căn nhà kỳ dị sau nhiều lần cải tạo. “Là hang, hầm gì đó chứ không thể gọi là nhà”, một người dân ngụ gần cầu Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh) nói.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận, mở đường Phạm Văn Đồng có đến gần 100 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó nhiều căn thấp hơn mặt đường từ 1m đến 1,7m.

Đừng để người dân phải “tự bơi” trong nhà hầm

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng ảnh hưởng lớn đến hàng vạn hộ dân. Cụ thể như Q.6 có hơn 600 hộ, Q.8 có đến gần 7.500 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trước nỗi khổ của người dân, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết: “Sở Xây dựng đang đề xuất UBND TP có hướng hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các căn nhà bị lún, nứt do thi công”.

Trước đó, việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã được cơ quan chức năng nhắc đến nhưng đến nay người dân vẫn phải chờ. “Theo các buổi họp, đối thoại trực tiếp để đưa ra hướng giải quyết đối với những hộ dân bị ảnh hưởng từ các dự án thì mỗi hộ được vay tối đa 500 triệu đồng từ Quỹ phát triển nhà ở của TP để sửa chữa, cải tạo. Tuy nhiên, hồ sơ và thủ tục vay không đơn giản bởi phải có tài sản thế chấp. Hộ không có tài sản thế chấp chỉ có thể vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số tiền 30 triệu đồng thì chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của chúng tôi. Chúng tôi rất cần được tiếp cận vốn vay ưu đãi để khắc phục thiệt hại”, chủ nhân một nhà hầm ở Q.6 tâm tư.

Trước sự khó khăn của người dân, UBND Q.6 cũng đã tạo điều kiện để bà con vay vốn từ quỹ của Hội Phụ nữ, Quỹ CEP (Liên đoàn Lao động TP.HCM)… Tuy nhiên, người dân cũng không mặn mà bởi mức vay tối đa ở các nguồn này không cao, khó có thể cải tạo nhà như mong muốn. Hơn nữa, không phải ai cũng tiếp cận được với nguồn vốn này.

Ông Mai Thanh Sang – Chủ tịch UBND P.An Lạc, Q.Bình Tân – cho biết: “Thời gian qua địa phương cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân trình bày về khó khăn do ảnh hưởng của công trình chống ngập. Chúng tôi sẽ phối hợp với chủ đầu tư, lắng nghe ý kiến của người dân để có hướng giải quyết tốt nhất. UBND và UBMT Tổ quốc phường cũng đã có kế hoạch hỗ trợ người dân và tạo mọi điều kiện để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Bài, ảnh: Trần Anh

 

Bình luận (0)