Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà giáo tự ứng cử đại biểu Quốc hội: Tạo điều kiện cho HS nghèo phát triển toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 20 năm gắn bó với công tác giáo dục (GD) ở một huyện ngoại thành TP.HCM, cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc – một trong 2 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở TP.HCM – phần nào thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của HS nghèo. Bởi vậy, khi tự ứng cử ĐBQH, cô Hồng Chương mong muốn góp sức nhiều hơn để HS được phát triển toàn diện, nhất là HS vùng ven, ngoại thành.

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc là một trong 2 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP.HCM

Cô Hồng Chương chia sẻ: “Nếu trở thành ĐBQH, tôi sẽ kiến nghị QH tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho GD, phải thật sự xem “GD là quốc sách”, là trọng tâm ưu tiên trong công tác chỉ đạo điều hành, cả ở mầm non, phổ thông, đào tạo nghề và ĐH; xem đây là khâu then chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực, quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”.

Ngoài ra, bản thân cô Hồng Chương cũng cho rằng mình sẽ đẩy mạnh việc tham gia vào lĩnh vực xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa GD nhằm tạo điều kiện cho tất cả trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa đều có cơ hội học tập. Đồng thời, gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội để GD toàn diện cho HS, xây dựng môi trường GD ngày càng lành mạnh, ngăn ngừa, hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường.

Thực tế, lớp lớp học trò mà cô Hồng Chương đã dẫn dắt trong gần 20 năm qua chủ yếu là con em của những người dân nhập cư, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Cuộc sống gia đình bấp bênh đã ảnh hưởng không ít đến việc học cũng như rèn luyện kỹ năng của các em. Bởi vậy, với tâm niệm dạy chữ phải gắn liền với dạy người, cô đã đề ra một kế hoạch hành động thật chi tiết. Và trong phạm vi hẹp ở trường mình, cô cũng đã đẩy mạnh GD toàn diện cho HS qua nhiều hình thức, nhiều phong trào hay, ý nghĩa nhằm tạo sân chơi rèn luyện cho các em.

“Khi hoạt động Đoàn phát triển mạnh, HS thích đến trường thì mới hạn chế những vấn đề tiêu cực của các em như lang thang, lêu lổng ở bên ngoài nhà trường”, cô Hồng Chương nói.

Bên cạnh việc GD toàn diện cho HS thì đời sống giáo viên, đặc biệt là những giáo viên trẻ mới ra trường luôn là nỗi trăn trở của một nhà giáo gắn bó nhiều năm với các trường ở ngoại thành. Vì vậy, cô sẽ tiếp tục kiến nghị cải cách tiền lương và các chế độ đãi ngộ cho giáo viên nếu được trúng cử.

Cô Hồng Chương chia sẻ: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa Nhân dân với các cơ quan quyền lực Nhà nước. Vì thế, người đại biểu do Nhân dân bầu ra, đại diện cho Nhân dân thì phải làm tốt vai trò của mình”.

Với ý nghĩa này, cô tự hứa với lòng nếu được tín nhiệm là ĐBQH thì sẽ thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri; phản ánh đầy đủ, trung thực, kịp thời đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu không được trúng cử thì với vai trò là một nhà giáo, một công dân của TP, cô sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện những vấn đề trọng tâm nêu trên. Chỉ có điều, những tâm huyết mà cô muốn chia sẻ chỉ bó hẹp ở một phường, ở nơi cư trú, khó có điều kiện nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Bài, ảnh: Hà Xuyên

Bình luận (0)