Trước những xôn xao của dư luận về số lượng tiến sĩ (TS) được đào tạo hàng năm cũng như nội dung các đề tài TS tại Học viện Khoa học xã hội (HV KHXH), cuối tuần qua Viện Hàn lâm KHXH đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về sự việc này. Qua các ý kiến cho thấy, việc quản lý đào tạo TS đang có vấn đề…
365 ngày đào tạo 350 TS
Với chỉ tiêu đào tạo 350 TS/năm tại HV KHXH, dư luận xã hội không thể không đặt câu hỏi về chất lượng. Tuy nhiên, GS. Võ Khánh Vinh – Giám đốc HV KHXH – cho rằng: Đào tạo nhiều hay ít phụ thuộc không chỉ là quy định của Bộ GD-ĐT mà còn theo năng lực của HV và nhu cầu của xã hội. HV KHXH hiện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành TS. Chỉ tiêu hàng năm của HV là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành chưa tới 10 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, số ứng tuyển hàng năm thường cao gấp đôi so với chỉ tiêu, vì vậy HV có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo lớn thế này, HV có 412 cán bộ cơ hữu (gồm 19 GS, 175 PGS, số còn lại là TS). Ngoài ra, còn có khoảng 2.000 GS, PGS, TS thỉnh giảng và hướng dẫn.
“Với 350 chỉ tiêu/năm, chúng tôi vẫn còn dư năng lực”, ông Vinh khẳng định.
Cũng theo ông Vinh, mỗi năm HV có khoảng 10% nghiên cứu sinh không được bảo vệ. Trong số 90% được bảo vệ, có khoảng 20% bảo vệ quá hạn.
Liên quan đến hai đề tài khiến dư luận xôn xao là “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” và “Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã”, ông Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN – cho biết: Đề tài “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” là đề tài tốt. Hành vi này có những đặc trưng riêng cho nhân loại, cho văn hóa. Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục. Hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới. “Chất lượng của đề án này khá tốt, có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội. Nếu nghi ngờ chất lượng xin Bộ GD-ĐT hậu kiểm. Tôi tin Bộ GD-ĐT sẽ kết luận là luận án tốt”, ông Hiệp khẳng định.
Đối với đề tài “Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã”, ông Vũ Dũng – Viện trưởng Viện Tâm lý học – cho rằng: Đây là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt. Bởi, hiện nay nước ta có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương với bấy nhiêu chủ tịch xã. “Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không? Còn tại sao lại là cấp xã mà không phải huyện, tỉnh, TW? Vì xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có đến được với dân hay không là nhờ cấp xã. Trong thời gian gần đây, mọi người nói đến một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu… Những hành vi này không nói cảm tính được mà phải có nghiên cứu thực chứng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, trong suy nghĩ của nhiều người luận án phải to tát, hoành tráng nhưng ở các nước phát triển, họ lại coi trọng những đề tài phù hợp với thực tế.
Công cụ quản lý: Yếu!
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc HV Bưu chính Viễn thông – thì: Nếu Bộ GD-ĐT sử dụng công cụ là Thông tư 32 và Thông tư 57 để kiểm soát cũng như nâng cao chất lượng đào tạo thì sẽ thất bại. Các trường có thể dễ dàng lách luật. Các trường tự xác định chỉ tiêu rồi đưa lên Bộ GD-ĐT, còn hậu kiểm được ngay không thì không phải trường nào thanh tra bộ cũng “với” tới.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT – cho rằng: Những quy định trong Thông tư 32 và 57 là những tiêu chí cốt lõi nhất, cũng là tiêu chí chung nhất cho tất cả các cơ sở đào tạo. Còn tiêu chí về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị thì tùy từng ngành. Qua thời gian, quy định đều được nâng lên. Việc nâng cao như thế nào để phù hợp thì có nhiều thứ như đánh giá tác động, có khả thi hay không? Chất lượng ai cũng mong muốn, nhất là đối với những người làm công tác giáo dục. Nhưng, khi một chính sách đưa ra mà nhiều cơ sở đào tạo không đáp ứng được, thậm chí đóng cửa, dừng tuyển sinh thì chính sách đó không khả thi. Vì vậy, phải nâng dần ở mức hệ thống đáp ứng, chấp nhận được, không có tác động tiêu cực khác. Khi đưa ra chính sách không thể nói bằng cảm giác mà phải đánh giá bằng các con số. Nhìn chung chính sách phiên bản sau phải cao hơn phiên bản trước. Việc nâng cao chuẩn lúc nào Bộ GD-ĐT cũng mong muốn. Cơ quan Nhà nước lúc nào cũng quản lý ở mức tối thiểu để các trường phấn đấu, cạnh tranh vươn lên. Còn trách nhiệm giải trình thuộc về các cơ sở đào tạo.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)