Giáo viên dạy bơi cho học sinh tại CLB Bơi lội Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh |
Sự việc vừa xảy ra ở Quảng Ngãi: 9 học sinh THCS ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) cùng lúc chết đuối khi tắm trên sông Trà một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trên 7.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm tại Việt Nam. So với các nước phát triển, tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Trên 50% các trường hợp trên xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6%, chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Đặc biệt số vụ đuối nước tăng cao trong dịp nghỉ lễ, mùa hè, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Nguyên nhân từ dâu?
Trước tiên phải nói đến tính hiếu động của trẻ khi luôn muốn khám phá tìm tòi cái mới, luôn có tâm lý muốn tự chủ nên không tuân thủ sự quản lý, răn đe của người lớn. Song song đó do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, để trẻ tự do đi lại trong điều kiện nhiều sông, suối chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Một tình trạng khác cũng thường xảy ra là nhiều gia đình mưu sinh bằng việc kinh doanh mua bán trên sông rạch quanh năm nhưng thiếu biện pháp trông coi, bảo vệ con em mình để chúng rơi xuống sông rạch dẫn đến tử vong. Cạnh đó nhiều hố sâu từ các công trình đang thi công không được che chắn an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến một số tai nạn chết đuối…
Hiện nay thời tiết nóng bức hơn bao giờ hết, vì vậy có rất nhiều trẻ em “giải nhiệt” bằng cách rủ nhau tắm sông rạch. Để hạn chế những hiểm họa đuối nước, ngoài việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong học đường lẫn trên hệ thống truyền thông để nâng cao tinh thần cảnh giác chung, nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn đến việc đi lại, vui chơi, giải trí của con em thật chặt chẽ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Song Anh (Cần Thơ)
Bình luận (0)