EU tăng cường nhập khẩu khí đốt Nga thông qua các nước sẵn sàng trả bằng đồng rúp.
EU tìm cách bù đắp thiếu hụt khí đốt.
EU tìm cách bù đắp thiếu hụt
Liên minh Châu Âu EU tìm cách bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt bằng cách kế hoạch “lách luật”, tăng đáng kể việc mua khí đốt tự nhiên của Nga thông qua các quốc gia sẵn sàng thanh toán cho mặt hàng này bằng đồng rúp – hãng thông tấn TASS trích dẫn một nguồn tin chính phủ ở Brussels cho biết hôm 27.4.
“Một cuộc họp khẩn cấp của Nhóm Điều phối Khí đốt đã diễn ra hôm nay do tình hình ở Ba Lan và Bulgaria. Một quyết định tạm thời được đưa ra nhằm tăng đáng kể lượng mua khí đốt từ Nga thông qua các kênh còn lại, điều này sẽ cho phép Ba Lan và Bulgaria mua thêm khối lượng khí đốt trên thị trường Châu Âu. EU cũng đang làm việc với tất cả các đối tác để đảm bảo gia tăng nguồn cung khí đốt, chủ yếu là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)”- nguồn tin được trích dẫn cho biết.
Động thái này nhằm bù đắp cho việc thiếu nguồn cung cho Ba Lan và Bulgaria sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt khí đốt cho hai nước này do họ từ chối tuân thủ cơ chế thanh toán khí đốt mới dựa trên đồng rúp.
Tháng trước, Nga yêu cầu người mua từ các quốc gia "không thân thiện" phải mở tài khoản đồng rúp tại một ngân hàng của Nga để chuyển khoản thanh toán. Biện pháp này chỉ bao gồm các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
“Về dài hạn, các nước EU xác nhận mục tiêu giảm thiểu hoặc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, thay thế bằng các nguồn khác, trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể, có thể trong vài tháng hoặc vài năm. EU sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh” – nguồn tin nói thêm, lặp lại các tuyên bố trước đó của nhiều quan chức EU kêu gọi khối này giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong bối cảnh các sự kiện ở Ukraina.
Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27.4.
Nguồn tin lưu ý rằng, theo ước tính của EU, Ba Lan và Bulgaria không có khả năng xảy ra tình trạng thiếu khí đốt trong tương lai gần nhất và có khả năng kỹ thuật để nhận cả khí đốt từ thị trường Châu Âu và LNG. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Brussels coi việc chấm dứt cung cấp cho Warsaw và Sofia trên cơ sở họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp “là sự vi phạm hợp đồng dài hạn của Nga với các nước này”.
Trước đó, cùng ngày 27.4, Bloomberg đưa tin, ít nhất 10 công ty Châu Âu đã mở tài khoản để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp, và 4 trong số đó đã thực hiện thanh toán theo yêu cầu mới của Mátxcơva.
Ấn phẩm trích dẫn một nguồn tin của Gazprom cho hay Nga nhiều khả năng sẽ không đình chỉ cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào nữa nếu họ từ chối yêu cầu thanh toán mới, cho đến nửa cuối tháng 5 khi các khoản thanh toán tiếp theo đến hạn.
Nga đáp trả cáo buộc “tống tiền khí đốt”
Mátxcơva cho biết quyết định yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp xuất phát từ “các bước đi thù địch chưa từng có” của EU. Nga đồng thời phủ nhận việc sử dụng xuất khẩu khí đốt tự nhiên như một công cụ để “tống tiền” Châu Âu như cáo buộc của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
RT đưa tin, phát biểu với báo giới hôm 27.4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc chuyển sang mua bán khí đốt bằng đồng rúp xuất phát từ chính hành động của EU.
Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng cái gọi là "các quốc gia không thân thiện" sẽ phải trả tiền năng lượng bằng chính đồng tiền của Nga.
“Đây không phải là tống tiền. Nga đã và vẫn là một nhà cung cấp đáng tin cậy, cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình. Các điều kiện nêu trong sắc lệnh của tổng thống xuất phát từ các bước đi thù địch chưa từng có chống lại chúng tôi” – ông Peskov tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định đã được thông báo cho những người mua khí đốt từ rất lâu trước khi có hiệu lực.
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen cáo buộc Nga dùng khí đốt để “tống tiền“.
Trước đó, bà von der Leyen cáo buộc Mátxcơva sử dụng thương mại khí đốt tự nhiên như một công cụ "tống tiền" sau quyết định của Gazprom ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu mô tả động thái này là “không hợp lý và không thể chấp nhận được”, cho thấy “sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp khí đốt”.
Bà nói: “Việc Gazprom tuyên bố đơn phương ngừng giao khí đốt cho khách hàng ở Châu Âu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền.
Quyết định ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan đã được Gazprom công bố vào sáng 27.4 với lý do hai nước này không thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt được giao vào tháng 4.
Gazprom cho hay, việc cung cấp khí đốt sẽ chỉ tiếp tục khi hai quốc gia tuân thủ kế hoạch thanh toán mới của Nga.
Ông Peskov cảnh báo, nhiều nước có thể bị cắt nguồn cung nếu họ không chuyển sang phương thức thanh toán bằng đồng rúp. Để tránh điều này, họ cần mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó sẽ được chuyển đổi thành rúp.
“Không có thêm khó khăn nào cho người mua ở đây. Đó là sự hy sinh của nền kinh tế quốc dân vì những định kiến sai lầm, mong muốn trừng phạt đất nước chúng tôi để gây tổn hại cho chính công dân của họ" – ông Peskov nói, khẳng định rằng Nga đã tính toán những rủi ro mà bế tắc đang diễn ra có thể gây ra cho Mátxcơva và thực hiện các bước đề phòng.
Kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào cuối tháng 3. Biện pháp này áp dụng đối với các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt Nga nhưng vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Mátxcơva.
Kể từ đó, một số nhà nhập khẩu đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng chấp nhận kế hoạch do Nga đề xuất. Ngày 25.4, Uniper, công ty mua khí đốt Nga lớn nhất của Đức, cho biết có thể thanh toán bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)