Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học 2016-2017: Cửa vào lớp 10 công lập có hẹp?

Tạp Chí Giáo Dục

HS mỗi năm một tăng, trong khi chỉ tiêu (CT) tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2016-2017 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố lại giảm so với năm học trước. Liệu cuộc đua vào lớp 10 năm 2016 có gay gắt hơn?

HS trao đổi sau khi làm bài thi vào lớp 10 năm học 2015-2016 tại Hội đồng thi Trường THCS Minh Đức, Q.1

Trường ngoại thành: CT giảm mạnh

Các trường THPT công lập, trong đó có cả trường chuyên và trường năng khiếu năm học 2016-2017 sẽ tuyển gần 63.000 CT, trong khi đó CT vào lớp 10 công lập giảm khoảng 1.600 CT.

Theo đó, sẽ có một số trường tốp trên giảm CT từ 1 đến 2 lớp so với năm học trước. Đơn cử như THPT Nguyễn Thượng Hiền – 715 CT (giảm 45 CT), THPT Gia Định – 1.020 CT (giảm 90 CT). Tuy nhiên cũng có một số trường tốp trên tăng CT nhưng không đáng kể. Chẳng hạn Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển 280 CT (tăng 10 CT), THPT Lê Quý Đôn 480 CT (tăng 30 CT)…

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tăng hay giảm CT là căn cứ vào số lượng HS lớp 12 ra trường. Nếu số lượng HS lớp 12 tốt nghiệp giảm thì CT vào lớp 10 tăng và ngược lại để đảm bảo sĩ số lớp học.

Trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017, điểm đáng chú ý là hầu hết các trường THPT ở vùng ven, ngoại thành đều giảm CT. Đơn cử như: Q.9 có 4 trường THPT công lập thì có 2 trường giảm CT khá mạnh là THPT Nguyễn Huệ – 630 CT (giảm 135 CT), THPT Phước Long – 450 CT (giảm 90 CT); 2/6 trường ở huyện giảm CT là THPT Phạm Văn Sáng – 585 CT (giảm 180 CT), THPT Bà Điểm – 630 CT (giảm 45 CT); 2/3 trường ở huyện Cần Giờ  là THPT Bình Khánh – 270 CT (giảm 45 CT), THPT An Nghĩa – 315 CT (giảm 105 CT); 2/3 trường ở huyện Nhà Bè là THPT Long Thới – 360 CT (giảm 90 CT), THPT Dương Văn Dương – 450 CT (giảm 90 CT)…

Có thể nhận thấy, CT các trường THPT ngoại thành giảm mạnh không chỉ do cơ sở hạ tầng để đảm bảo sĩ số HS/lớp mà những năm gần đây điểm chuẩn vào lớp 10 các trường này rất thấp, thậm chí có trường chỉ lấy 13 điểm cho cả 3 môn, trong đó môn văn và môn toán đã nhân hệ số 2 do không có tỷ lệ cạnh tranh. Vì vậy, việc giảm CT này có thể làm tăng tỷ lệ chọi, nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường này – một chuyên gia phân tích.

Còn nhiều hướng đi cho HS

Ngoài các trường công lập, TP.HCM còn có một hệ thống trường THPT ngoài công lập, TT GDTX, các trường CĐ, TC tuyển HS lớp 10 nên nếu rớt lớp 10 công lập, HS tốt nghiệp THCS cũng không lo thiếu chỗ học.

Riêng hệ GDTX, năm nay có 26 TT GDTX (thuộc Sở GD-ĐT) tuyển 8.925 CT – tăng hơn năm học trước gần 600 CT. Nói về những lợi thế khi học TT GDTX, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định: “Học ở TT GDTX, các em sẽ học với số môn ít hơn hệ thống THPT, trình độ học viên thường ngang nhau nên giáo viên sẽ dạy theo khả năng tiếp thu của các em. Theo đó các em có nhiều thời gian hơn để ôn tập. Hơn nữa, từ năm 2015, trong kỳ thi THPT quốc gia, học viên GDTX bắt đầu thi đề chung với HS THPT. Và bằng tốt nghiệp cùng một loại bằng, có giá trị như nhau nên các em không còn lo có sự phân biệt nữa”.

Ngoài TT GDTX, các chuyên gia cho rằng HS tốt nghiệp THCS cũng nên lưu ý đến việc lựa chọn con đường TCCN, TC nghề. Bởi, hiện nay thị trường lao động đang rất cần những người lao động có tay nghề.

Ông Đạt cho biết thêm: “Học TCCN, các em vừa được học nghề, vừa học văn hóa phổ thông theo chương trình của GDTX. Vì vậy, sau 3,5-4 năm các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT lại vừa có bằng TCCN để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc học liên thông lên cao hơn”.

Theo thống kê, thị trường lao động hiện nay cần 12% trình độ ĐH, 13% trình độ CĐ, trong khi đó trình độ TC cần đến 35%, số còn lại là công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông. Vì vậy, học TCCN, TC nghề thực sự là một lựa chọn khôn ngoan đối với những HS có kết quả học tập trung bình…

Bài, ảnh: D.Bình

Bình luận (0)