Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Sáng tạo hữu ích cho hoạt động giảng dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Hội thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức đã khép lại, nhưng thành công của hội thi sẽ còn trải dài mãi. Bởi sự sáng tạo với các dự án về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, học làm người… sẽ trở nên hữu ích cho cuộc sống.

Đặc biệt những dự án mang tính đột phá về đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ thực sự có ích cho hoạt động dạy và học trên địa bàn TP.HCM.

Vui học lịch sử với “Ngàn năm đất Việt”

Thầy Mai Hiếu Phước và em Nguyễn Tiểu Ngọc xem lại sản phẩm “Vui học lịch sử Ngàn năm đất Việt”

Đây là dự án của giáo viên Mai Hiếu Phước (Trường THCS Chi Lăng, Q.4). Dự án đoạt giải khuyến khích của hội thi và được chọn là một trong 50 sản phẩm tham gia hội thi toàn quốc trong thời gian tới.

Để có được dự án này, thầy Phước đã nỗ lực tự học cách lập trình bằng phần mềm Visual Basic trong suốt 10 năm để tìm ra một phương pháp dạy lịch sử mới, nhằm gây hứng thú cho học sinh trong học tập. Nhiều giáo viên đã khen ngợi dự án này với các tính năng hỗ trợ dạy và học bộ môn lịch sử theo hướng tích hợp liên môn, giúp cho học sinh có thể học trực tuyến hoặc offline và tra cứu các tư liệu lịch sử phong phú.

Không chỉ thu hút ở hội thi, tính thực tiễn của dự án cũng đã được minh chứng bằng sự hứng thú của học sinh khối 9 sau một năm được học phương pháp mới này. Giờ học lịch sử nay không còn là việc đọc – chép như trước, mà trở nên thú vị với phần mềm có nguồn tư liệu phong phú, phim, ảnh, chữ viết, giọng đọc và được lồng ghép âm nhạc. Do vậy tiết học lịch sử trong phòng máy dường như “ngắn” hơn trước đây. Điều đặc biệt nữa ở phương pháp này là thúc đẩy sự chủ động của học sinh trong giờ học. Chẳng hạn như trong bài Lịch sử địa phương TP.HCM, có tích hợp kiến thức của các bộ môn địa lý, sinh học, văn học làm cho các em hăng hái tìm thông tin theo nhóm và phát biểu xây dựng bài. Ngoài ra các em còn khéo léo lồng ghép những tác phẩm âm nhạc làm cho bài học thêm phong phú. Hoặc như khi học bài Khởi nghĩa hai Bà Trưng, thay vì giáo viên chỉ nói bình thường và đưa hình ảnh minh họa như trước đây, thì phần mềm này có lồng ghép thêm kiến thức của môn văn, cung cấp thêm thông tin nhân vật như: “Bà Trưng quê ở Châu Phong; Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”, hoặc học sinh có thể vào phần tra cứu danh nhân lịch sử sẽ thấy được hình ảnh và tư liệu minh họa thú vị bên dưới một cách đầy đủ. Nội dung trong phần tra cứu này còn được lồng ghép tiếng nhạc, giọng đọc để phục vụ cho người khiếm thị. Em Nguyễn Tiểu Ngọc (học lớp 9/4 Trường THCS Chi Lăng, Q.4) cho biết lịch sử là môn em học rất kém, điểm số thường dưới trung bình vì khó học, khó nhớ. Nhưng năm học vừa qua, nhờ được học phương pháp mới của thầy Phước mà kết quả học tập của em đã được cải thiện rõ rệt. Điểm trung bình cuối năm môn lịch sử của em đạt 8,5. Theo thầy Phước, phần mềm này không chỉ gây hứng thú cho học sinh trong học tập, mà còn giúp các em tránh tiếp cận với những kiến thức hoặc nguồn tư liệu sai lệch, vì thực tế có một số học sinh truy cập vào những website có tư liệu không chính thống, phản động…

Không chỉ gây hứng thú cho học sinh, phần mềm này còn được các đồng nghiệp ví như “kho giáo án có sẵn phong phú”, được chia sẻ trên facebook và google drive nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng và những người thực sự có nhu cầu.

Học văn… qua game

Cô Trịnh Thị Minh Hương và hai học sinh đã giúp cô thiết kế game bên sản phẩm “Học văn qua game”
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: Hội thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” nhằm góp phần khuyến khích giáo viên sáng tạo và ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy. Trước đây hoạt động giảng dạy thường là một chiều, và nay qua dự án, học sinh đã chủ động tham gia vào quá trình học và thầy cô giáo là những người hướng dẫn, gợi mở. Qua đó thầy cô và học sinh phối hợp với nhau để xây dựng giờ học sinh động, hiệu quả hơn.

Đó là sáng kiến của cô Trịnh Thị Minh Hương (giáo viên Trường THPT Phú Nhuận). Cô Hương cho biết, trước yêu cầu đổi mới của giáo dục, cô luôn ý thức phải đổi mới phương pháp và cách thức dạy học. Do đó giờ ngữ văn của cô thường được dạy và học trên môi trường CNTT thông qua các bài giảng bằng PowerPoint, sơ đồ tư duy, bảng tương tác, hay gần đây là dạy học dự án. Tuy nhiên cô vẫn chưa hài lòng với những nỗ lực của bản thân. Một lần, trong giờ dạy, nhìn các em mệt mỏi, ngao ngán khi đón nhận những bài học mang tính chất lí thuyết khô khan, có em còn dùng điện thoại chơi game, cô đã nghĩ ra một ý tưởng mới và sau nhiều đêm trăn trở, cô quyết định thiết kế một phần mềm game để dạy học phân môn tiếng Việt. Để hiện thực hóa ý định của mình, cô và các em học sinh đã tiến hành khảo sát nhanh trên mạng internet, kết quả có đến 88,5% học sinh trả lời thích chơi game; 85,2% học sinh cho rằng không thích học “Lịch sử phát triển tiếng Việt theo cách truyền thống và 90,4% muốn học nội dung trên bằng game”.

Có kết quả khảo sát, cô Hương càng có động lực để thực hiện phần mềm với sự cộng tác đắc lực của các em học sinh. Sau khi hoàn thành, phần mềm đã được công bố rộng rãi cho tất cả học sinh trong trường biết. Các em đã hào hứng tải về máy và sử dụng, tiếp nhận tri thức bài học bằng chính đam mê… game của mình. Có em học sinh lớp 10 còn thích thú khoe với cô Hương: “Em chơi game nhiều lần lắm cô, bây giờ em nhớ về lịch sử phát triển tiếng Việt như nhớ tên em vậy”.

Cô Hương chia sẻ: “Tôi cảm nhận rằng các em đã định hướng được xu hướng giải trí của mình. Và hơn hết, bài học này khi tôi kiểm tra, các em đã hoàn toàn nắm bắt được tri thức. Được nhìn các em hào hứng khi tiếp nhận tri thức, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc tuyệt vời”. Tuy nhiên, phần mềm này chỉ mới ứng dụng trên bài học tiếng Việt, nên cô Hương vẫn ấp ủ mơ ước: “Mong có điều kiện để triển khai nhiều hơn dạng bài học kiến thức văn học sử vào game. Tôi cũng mong muốn bài học này sẽ đến với học sinh khắp nơi qua cổng trường học kết nối”.

Đóng góp nhiều vào công trình hữu ích của cô Hương là hai em Du Chí Nhân và Trần Nhân Tài (học lớp C10). Hai em đã nỗ lực thiết kế game và cũng chính các em là những người cảm nhận rõ nhất về lợi ích của phần mềm trong việc học tập của lớp mình. Theo cảm nhận của Chí Nhân, chơi game có hình ảnh, có nhân vật và âm thanh nên việc học nhẹ nhàng, thú vị hơn. Đồng ý với nhận xét của bạn, Nhân Tài cho biết bây giờ các bạn tích cực giơ tay phát biểu xây dựng bài nhiều hơn. Lớp học giờ đây luôn có tiếng cười, chứ không thụ động và trầm lắng như trước đây.

Bài, ảnh: Bích Vân

Bình luận (0)