Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chọn trường: Không phải dễ!

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với cái nóng mùa hè đang đến, tình trạng “chạy trường” của phụ huynh cũng nóng lên hầm hập ngay sau khi các địa phương bắt đầu thông báo tuyển sinh đầu cấp. Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để con em họ được học trong một ngôi trường tốt, theo họ.

Bài viết này không soi rọi các khía cạnh tiêu cực của hành vi “chạy trường”, nhưng muốn đề cập một vấn đề khác là việc chọn trường cho con em. Và qua việc “chạy trường” cho thấy việc chọn trường cho con đối với phụ huynh quan trọng biết dường nào! Cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, việc chọn trường cho con em trở thành một nhu cầu lớn của phụ huynh. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh không được hướng dẫn hoặc không biết cách chọn trường phù hợp cho con em mình. Thường họ chọn trường theo “tin đồn” hoặc theo “bè nhóm”. Một phụ huynh kể lại câu chuyện chọn trường cho con mà theo chị đây là bài học cho chị cũng như nhiều phụ huynh khác. Nghe “tin đồn” một trường điểm ở một quận trung tâm thành phố có nhiều thành tích nổi bật, được nhiều phụ huynh tín nhiệm, chị đã xin con vào trường đó. Ngày nộp hồ sơ, thấy phụ huynh rồng rắn xếp hàng chị càng tin hơn. Nhưng than ôi, qua từng năm học sức học của con xuống thấy rõ. Một hôm, đến trường đón con sớm hơn thường lệ, chị bắt gặp con gái mình từ taxi bước xuống cùng vài ba đứa bạn học. Hỏi ra mới biết cháu thường cùng bạn học rủ nhau cúp cua đi xem phim hay vào quán nước. Điều chị bất bình là không thấy giáo viên chủ nhiệm phản ánh gì ngoài một phiếu điểm đẹp và các lời phê “có cánh”. Thì ra nhà trường quá chú trọng vào mặt thành tích nên nuông chiều học sinh về điểm số quá mức khiến chúng ỷ lại, lơi lỏng việc học. Cuối năm đó, chị quyết định chuyển con về trường gần nhà để tiện quản lý. Những năm sau cháu tiến bộ dần. “Trường điểm đó có nhiều học sinh con nhà giàu, ham chơi hơn ham học” – chị nhận xét.

Một số phụ huynh khác không chọn trường theo “tin đồn” mà cố gắng đưa ra một vài tiêu chí riêng của mình về nhà trường nhắm đến. Câu chuyện dưới đây đọc được trên mạng xã hội của một cặp vợ chồng trẻ xin con 6 tuổi vào lớp 1: “Vợ chồng tôi có thu nhập 35 triệu, có nhà riêng ở TP.HCM, con gái chúng tôi vừa tròn 6 tuổi. Tôi thì muốn cho con học trường bình thường, khoảng vài triệu một tháng nhưng vợ tôi lại muốn cho con học trường quốc tế học phí 15 triệu/tháng. Vợ bảo trường đó phòng có máy lạnh, con được cô chăm sóc tốt hơn, đỡ tiền thuốc thang bệnh viện, đỡ phải đi học tiếng Anh, học vẽ, học nhạc bên ngoài, đỡ phải tiền “ngoại giao” xin xỏ. Nghe qua thì thấy có lý, nhưng nghĩ lại thì không khỏi giật mình vì các tiêu chí mà cặp vợ chồng này đưa ra không hề để ý chất lượng đội ngũ giáo viên, lòng yêu nghề, mến trẻ của họ như thế nào; không hề tìm hiểu các mục tiêu mà nhà trường muốn phát triển ở trẻ… Nói tóm lại, đa số phụ huynh chỉ chú trọng bề nổi của ngôi trường như phải mang tên trường điểm, trường chất lượng cao, cơ sở vật chất phải hoành tráng, phòng phải có đủ trang thiết bị, máy lạnh, con em họ phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, phải đậu lớp 10, đậu tốt nghiệp THPT, đại học… mà ít chú trọng trong môi trường đó con em họ sẽ được giáo dục để trở thành người như thế nào, có phẩm chất như thế nào, chẳng hạn biết thương yêu người trong gia đình, đồng loại, bảo vệ thiên nhiên, biết sống trung thực, dũng cảm…

Xem vậy, chọn trường là nhu cầu chính đáng nhưng đó cũng là việc đầy khó khăn, lúng túng của nhiều phụ huynh. Họ không có điều kiện để kiểm tra những thông tin về nhà trường. Tuy vậy, theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh vẫn có thể tự mình nắm bắt một số thông tin mà cách tốt nhất là liên hệ hỏi thẳng nhà trường hoặc tìm đến nơi. Qua cách tiếp xúc với nhân viên, giáo viên, học sinh cũ; cách sắp xếp, bài trí phòng tiếp khách, lớp học… phụ huynh cũng có thể bước đầu đánh giá môi trường sư phạm ấy có phù hợp với con em mình không.

Các chuyên gia nhấn mạnh đối với phụ huynh chỉ có hai loại trường: phù hợp hay không phù hợp với con em mình. Phải loại bỏ ngay trong đầu những tên trường điểm, trường chất lượng cao và tìm cách “chạy” vào cho bằng được mà không hề tìm hiểu về chúng.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)