Đổi mới trường học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT… Đây là hội thảo khoa học do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT quận 7 tổ chức vào ngày hôm nay (29-4-2016).
Một giờ học theo mô hình trường học mới (VNEN) của HS tiểu học tại TP.HCM. Ảnh: I.T |
Chú trọng nhiệm vụ đổi mới
ThS. Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT quận 7 nhận định, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là “đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện, đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học, đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học”. Một trong những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết nói trên, đó là đổi mới nội dung, phương pháp theo hướng tiếp cận phát triển năng lực.
Khẳng định tầm quan trọng nhiệm vụ đổi mới giáo dục trong sự nghiệp “trồng người”, ThS. Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM nhấn mạnh: Hội thảo khoa học lần này nhằm mục đích triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình hành động số 41-Ctr/QU ngày 29-6-2015 của Quận ủy quận 7 về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tạo sự giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên – thành phần chính yếu tổ chức thực hiện ở các bậc học từ mầm non đến THCS.
Theo đó, hội thảo tập trung một số nội dung như khẳng định tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới trường học, đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường theo hướng tiếp cận phát triển năng lực người học, người dạy và xã hội nhằm đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vai trò của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, đặc biệt là vai trò của giáo viên (giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm) trong việc hình thành năng lực và phẩm chất HS. Khái quát, hiểu biết về mô hình trường học mới VNEN đã và đang áp dụng rộng rãi trong các trường tiểu học, THCS trong thời gian qua.
Gần 50 tham luận đóng góp, xây dựng
Được biết, hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, hỗ trợ của nhiều nhà khoa học, thầy cô là hiệu trưởng, giáo viên của các bậc học từ mầm non đến trung học, với gần 50 bài tham luận chia sẻ ở nhiều góc nhìn khác nhau. Tiêu biểu như TS. Huỳnh Tiểu Phụng – Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7 đã chia sẻ tham luận “Ngành giáo dục quận 7: thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW và những bài học kinh nghiệm bước đầu”. TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ tham luận “Đổi mới trường học theo hướng tiếp cận năng lực” đó là công tác tư tưởng, công tác quản lý, công tác chuyên môn đồng thời nêu cao vai trò của cán bộ quản lý và giáo viên. TS. Nguyễn Trọng Thuyết – ĐH Sài Gòn đề ra giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực. PGS.TS Lê Sơn khẳng định nâng cao năng lực sư phạm của thầy giáo, là một trong những khâu then chốt của đổi mới giáo dục: “Không một ai khác là đội ngũ thầy cô giáo hàng triệu người sẽ biến đổi các chủ trương từ triết lý, chương trình trở thành hiện thực trong nhân cách của hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên khắp cả nước”, PGS. Lê Sơn nêu. ThS. Dương Văn Thư – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ với tham luận “Nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên viên phòng giáo dục trong giai đoạn hiện nay”. ThS. Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 với tham luận: Xác định vai trò của giáo viên chủ nhiệm trường THCS, những yêu cầu về phẩm chất… cùng nhiều ý kiến khác.
Ngoài ra, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài viết chia sẻ của thầy Lê Ngân Khánh – Hiệu trưởng Trường TH Lê Anh Xuân về quản lý đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của HS TH; hay thầy Trương Văn Bảnh vận dụng mô hình trường học mới VNEN vào đổi mới phương pháp dạy học. Chia sẻ một số hoạt động của Tổ ngữ văn Trường THCS-THPT Đức Trí trong việc giáo dục HS theo hướng tiếp cận năng lực… cùng nhiều bài phân tích năng lực người dạy, năng lực HS, mô hình trường học mới VNEN của nhiều thầy cô khác.
Nhìn chung, các tham luận tham gia hội thảo lần này đều khẳng định việc đổi mới trường học theo hướng tiếp cận năng lực góp phần vào đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là việc làm hết sức bức thiết. Các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo đã phân tích, đánh giá, nhận định ở nhiều góc độ khác nhau nhằm đưa Nghị quyết 29-NQ/TW vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Bích Vân
Bình luận (0)