Khi các tuyến metro ở Hà Nội và TP.HCM đang dần thành hình cũng là lúc vấn đề đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành nghề mới của Việt Nam được nhiều người quan tâm.
Sau khi tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động hứa hẹn ngành nghề mới sẽ thu hút nhiều nhân lực. ĐẬU TIẾN ĐẠT
Đầu tháng 7 vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) khai giảng lớp đào tạo dành cho 58 người lái tàu cho tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Những học viên này đang theo học một trong những ngành nghề mới tại Trường CĐ Nghề đường sắt (Q.3, TP.HCM).
Muốn thử sức với nghề lái tàu metro
Cũng như nhiều học viên quyết định theo học nghề lái tàu metro, Ngô Hoàng Minh (34 tuổi) cho biết anh là một trong số 58 người được chọn qua vòng sơ loại, đáp ứng được trình độ chuyên môn để đi học lái tàu. Minh rất vui khi là những người đầu tiên được học một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Trước đây, Minh từng làm rất nhiều ngành nghề, trong đó có 8 năm làm nghề tàu biển, 2 năm chạy xe dịch vụ và những nghề khác. “Khi biết được đợt tuyển dụng, tôi đăng ký thử và hy vọng mình được đi học. So với nghề kỹ thuật tàu biển tôi đã làm thì chắc cũng có nét tương đồng. Tôi quyết định học ngành này vì nghĩ mình sẽ là người đầu tiên được cầm lái con tàu metro mà nhiều người quan tâm. Tôi cũng tò mò muốn biết và tiếp nhận kỹ thuật mới của người Nhật ra sao”, Minh nói.
Còn học viên Trần Văn Sáu (29 tuổi) cho rằng ngành học lái tàu metro là một ngành mới, là một cơ hội nghề nghiệp mới cho nhiều người. Những ngày đầu đi học, Sáu được cho đi khảo sát, tham quan những hạng mục liên quan đến việc học và công việc sau này.
Học viên Nguyễn Nhật Minh (22 tuổi) cho rằng mỗi người ở đây cũng đã đi làm hoặc đang học ngành khác. Tuy vậy, Nhật Minh nhận thấy đây là cơ hội tốt nên quyết định “nhảy” việc và đăng ký đi học lái tàu metro. “Do đó em vẫn sẽ cố gắng hoàn tất song song lớp cơ khí ở một trường cao đẳng khác”, Minh cho biết.
Những học viên học lái tàu cho tuyến số 1 metro đầu tiên ở TP.HCM. ẢNH: PHẠM HỮU
Cần tuyển dụng nhiều vị trí mới
Chia sẻ với PV, lãnh đạo Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Công ty HURC1), cho biết tuyến metro số 1 là tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng ở TP.HCM. Đây cũng là lần đầu thành phố đưa vào đào tạo và tuyển dụng những ngành nghề được xem là mới xuất hiện ở Việt Nam. Do đó chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho tuyến metro số 1 và các tuyến về sau càng được chú trọng.
Theo lãnh đạo HURC1, bên cạnh các vị trí nhân sự văn phòng tại trụ sở chính, còn có 2 bộ phận công việc quan trọng.
Về vận hành có các vị trí như: nhân viên điều độ (phụ trách công tác giám sát và điều khiển tàu), kỹ thuật viên lái tàu, nhân sự nhà ga (bán vé, kiểm soát vé…), nhân viên an toàn.
Bộ phận bảo dưỡng có các vị trí như: nhân sự kỹ thuật đầu máy toa xe, kỹ thuật đường ray, kỹ thuật điện, giám sát hệ thống thông tin – tín hiệu. Ngoài ra còn có các nhân sự làm công tác giám sát bảo trì bảo dưỡng công trình, kiến trúc…
Hằng năm HURC1 sẽ tuyển dụng nhân sự theo nhu cầu chung của các bên. Theo đó, nhân sự làm công tác quản lý tại trụ sở chính chỉ cần có năng lực đáp ứng công việc ngay và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Riêng về nhân sự vận hành, bảo trì, công ty sẽ tuyển dụng theo yêu cầu trình độ từ Ban Quản lý đường sắt đô thị và các nhà thầu.
Đào tạo ra sao ?
Nhân sự làm công tác quản lý tại trụ sở chính sẽ được đào tạo thông qua công tác đối ứng, làm việc với chuyên gia Nhật Bản. Nhân sự trực tiếp vận hành sẽ được đào tạo thông qua gói thầu tư vấn chung từ liên doanh Nhật Bản phối hợp với Trường CĐ Nghề đường sắt thực hiện. Nhân sự bảo trì sẽ được đào tạo chuyển giao kỹ thuật, công nghệ của các nhà thầu.
Theo lãnh đạo Công ty HURC1, những nguồn nhân lực này sẽ được tuyển dụng và đào tạo cuốn chiếu theo sự hoàn thành của tuyến metro. Hy vọng sau 5 năm đầu, nhân sự phía Việt Nam sẽ tự quản lý, vận hành, bảo trì tuyến đường sắt.
Trong 58 kỹ thuật viên đang đào tạo lái tàu tại Trường CĐ Nghề đường sắt, sẽ chọn ra 10 học viên xuất sắc đi học nâng cao tại Nhật Bản trong 2 tuần.
Ngoài ra, những vị trí tuyển dụng dành cho những khối ngành ở các trường ĐH, CĐ có liên quan cũng được quan tâm. Ví dụ như sinh viên học chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đường sắt, xây dựng cầu đường; nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, điện – điện tử, viễn thông, bảo dưỡng công nghiệp, công nghệ thông tin… cũng là lợi thế trong việc ứng tuyển. Đối với nhân sự ngành dịch vụ, phục vụ, các trường học cần có sự uyển chuyển, điều chỉnh về chuyên môn vẫn có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Theo lãnh đạo HURC1, ngoài kiến thức chuyên môn, yêu cầu đầu tiên của ứng viên phải có ngoại ngữ tốt để đảm bảo việc đọc hiểu các thiết bị, tài liệu về máy móc, có khả năng trao đổi ngoại ngữ với các đối tác, đơn vị đường sắt nước ngoài.
Học cao đẳng, trung cấp đủ đáp ứng yêu cầu
Ông Vũ Văn Nghi, Trưởng khoa Công trình giao thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết từ năm 2008 khoa đã mở những chuyên ngành về công trình, đường sắt đón đầu nhu cầu nhân lực cho ngành metro. Ngoài ra, khoa cũng phối hợp với Tổng cục Đường sắt triển khai nhiều kế hoạch đào tạo chuyên sâu…
Đối với nguồn nhân lực cho việc vận hành metro sau này thì đã có một số trường trung cấp, cao đẳng đáp ứng. Nghề lái tàu hoặc bảo trì thì không cần nhân lực đến ngạch kỹ sư. Đa phần nhân lực đào tạo bậc ĐH sẽ làm việc thiên về thiết kế, giám sát các công trình xây dựng các tuyến metro.
|
Theo Phạm Hữu/TNO
Bình luận (0)