Đó là niềm tự hào của những phụ huynh có con tham gia dự án “Con đã lớn” của Trường TH Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM). Trong Hội thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2016” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua, dự án này đã được trao giải nhì và giải dự án có sức lan tỏa rộng nhất.
Âu Tuấn Kiệt (giữa) và Diệp Gia Bội (phải) đang trang trí món tráng miệng tại buổi báo cáo tổng kết dự án |
Thành công ngoài mong đợi
Bé biết luộc rau, nấu cơm, chiên trứng; bé biết tự tắm, đánh răng, dọn phòng ngủ, quét nhà, lau nhà; bé biết chia sẻ việc nhà với ba mẹ và chăm sóc bản thân… Sự thay đổi đó, theo cảm nhận của các phụ huynh, chính là thành công ngoài mong đợi mà dự án “Con đã lớn” đã đem đến cho gia đình và con cái họ.
Bé Âu Tuấn Kiệt (học lớp 5/6) hào hứng khoe: “Em đã biết chiên trứng, luộc rau, nấu cơm phụ mẹ. Em rất tự hào vì là con trai nhưng cũng biết phụ mẹ chăm sóc gia đình”. Tương tự, bé Diệp Gia Bội (học cùng lớp với Tuấn Kiệt) cho biết, sau giờ học em thường phụ mẹ làm bếp như vo gạo, nhặt rau, lau dọn bàn ăn… và dạy em học bài. Gia Bội còn khoe em đã biết tự tắm rửa và biết đăng hình trên facebook để báo cáo công việc trực tiếp với cô giáo phụ trách dự án mỗi ngày. Trong khi đó, bé Đặng Tuyết Doanh (học lớp 5/7) cho biết em đã biết cách luộc rau ngon, biết trông em và phơi quần áo giúp mẹ. Tuyết Doanh nói: “Em muốn chia sẻ công việc để mẹ bớt vất vả và buổi tối mẹ được nghỉ ngơi sớm hơn”.
Cảm nhận rõ sự thay đổi của các con, phụ huynh đã rất phấn khởi và tự hào về con em mình. Chị Li Bội Hồng (phụ huynh bé Âu Tuấn Kiệt) cho biết con trai chị không còn mê chơi game hoặc xem ti vi như trước, bé đã tự biết lo bữa ăn cho mình khi mẹ vắng nhà và làm việc một cách khoa học theo thời khóa biểu mà cô giáo đã hướng dẫn. Còn chị Lê Thị Phương Thảo (phụ huynh bé Diệp Gia Bội) vui mừng và thừa nhận trước đây đã bảo bọc con quá mức, lo lắng con sẽ gặp nguy hiểm khi tiếp xúc với gas, với lửa nên không cho con làm bất cứ việc gì. Giờ thì chị: “không ngờ con gái đã làm rất tốt các việc nhà như nấu cơm, rửa chén, lau nhà, quét nhà. Khi cháu làm thì được bà chụp hình và chỉ dẫn thêm. Dự án này làm cho không khí gia đình tôi thêm vui vẻ và đầm ấm. Tôi tin tưởng đây là nền tảng giúp bé tránh tâm lý ỷ lại sau này do được ấp ủ quá kỹ”. Một phụ huynh khác là chị Hồng Tuyết (phụ huynh bé Lâm Tuấn Hưng, học lớp 5/6) cho biết từ khi con tham gia dự án, chị nhận thấy “con trai đã trưởng thành hẳn lên, biết chia sẻ công việc gia đình và thể hiện là người sống có trách nhiệm. Là phụ huynh, chúng tôi vô cùng biết ơn nhà trường đã tạo điều kiện cho con em có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện trong thời gian qua. Chúng tôi mong nhà trường duy trì dự án này nhằm đem nhiều lợi ích trong việc giáo dục trẻ. Được như vậy các bé sẽ tập dần tính tự lập, ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình mình trong tương lai”.
Tận tâm với dự án hữu ích
Cô Trương Hồ Trâm Anh (cầm giấy khen) được lãnh đạo trường và học sinh chúc mừng tại hội thi |
Người có sáng kiến thành lập dự án này là cô Trương Hồ Trâm Anh (chủ nhiệm lớp 5/6). Nhiều phụ huynh cứ nghĩ con còn nhỏ, không nỡ giao việc, lo con không làm được, nhưng với dự án của cô Trâm Anh, bé nào cũng hăng hái tham gia và thực hiện công việc rất nghiêm túc.
Dự án “Con đã lớn” được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: học sinh thực hiện các công việc tự phục vụ ở nhà; giai đoạn 2: học sinh thực hiện các công việc tự phục vụ ở trường. Qua đó giúp cho các em học sinh lớp 1, 2, 3 rèn kỹ năng tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi và giúp học sinh lớp 4, 5 rèn kỹ năng làm việc nhà và nấu một số món ăn đơn giản. |
Cô Trâm Anh cho biết, trong khuôn khổ dự án, học sinh được cô tập huấn trước các kỹ năng cơ bản. Sau đó các em bắt đầu bước vào tuần trải nghiệm đầu tiên. Với chủ đề “Hãy để con giúp mẹ”, học sinh đăng ký làm 5 công việc nhà (gồm 3 việc nhà đã đăng ký và 2 việc bắt buộc là nấu cơm, dọn bàn ăn). Tiếp tục tuần thứ 2 với chủ đề “Con đã biết tự phục vụ”, các em bắt đầu thực hiện công việc theo thời gian biểu. Để học sinh không quên việc, cô Trâm Anh khuyến khích các em sử dụng “logo nhắc việc” với các hình vẽ được tô màu rất vui mắt. Chẳng hạn như logo nhắc việc hình mèo máy Doremon có nội dung “dọn góc học tập” sẽ được dán ở gần bàn học, logo Pikachu “tắt nước” sẽ được dán ở bồn rửa chén…
Mỗi ngày, các em chủ động hoặc nhờ cha mẹ đăng hình chụp khi làm việc qua facebook để cô Trâm Anh quan sát. Trong trường hợp có khúc mắc hoặc cần trợ giúp, các em lập tức sử dụng ứng dụng facebook messenger để được cô hướng dẫn trực tiếp. Kết quả việc làm của các em không chỉ được thể hiện qua hình ảnh trên facebook, mà còn được phụ huynh nhận xét chi tiết qua “Bảng theo dõi tiến trình thực hiện tuần lễ trải nghiệm”. Bên cạnh đó, một công cụ hữu dụng khá mới mẻ về CNTT là classdojo cũng được cô Trâm Anh sử dụng để chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ của từng nhóm, từng cá nhân và qua đó phụ huynh sẽ nhận được báo cáo trong điện thoại, giúp họ có thể theo sát tiến trình thực hiện dự án cùng con mình.
Sau 2 tuần trải nghiệm, học sinh sẽ bước vào tuần thứ 3 “Báo cáo kết quả”. Ở phần này các em sẽ thực hiện việc nấu ăn và trang trí bàn ăn tại trường. Để khuyến khích học sinh, mỗi tuần trải nghiệm các em đều được nhận huy hiệu khen thưởng, và sau khi hoàn thành dự án, nhà trường cũng trao tặng giấy chứng nhận (có lưu sổ khen thưởng của trường).
Nói về kết quả thực hiện dự án, cô Nguyễn Thị Kim Hương (Hiệu trưởng nhà trường) khẳng định: “Dự án “Con đã lớn” thành công ngoài mong đợi, góp phần kích thích trẻ vui thích làm việc. Được như vậy là nhờ có sự tận tụy và hy sinh rất nhiều của cô Trương Hồ Trâm Anh về cả thời gian và công sức. Nhà trường rất ủng hộ dự án này và phụ huynh cũng rất hài lòng”.
Cô Trâm Anh cho biết, mục tiêu thực hiện dự án nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống hằng ngày, tự giác chăm sóc bản thân, hướng đến những hoạt động chia sẻ công việc với những người xung quanh…
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)