Giữa thời buổi công nghệ, việc đọc sách trở nên mờ nhạt bởi sự hấp dẫn của các phương tiện nghe nhìn hiện đại lấn lướt. Ngày nay, thật khó tìm được những học sinh (ngay cả giáo viên) say mê, đam mê đọc sách!
Việc say mê đọc sách, trước hết do truyền thống gia đình. Ông bà, cha mẹ ham thích đọc sách thì con cháu cũng vậy bởi những nét đẹp văn hóa đọc sách ấy in sâu vào tâm hồn từ thời thơ ấu. Những gia đình này thường khuyến khích con cháu đọc sách. Nhưng cũng có nhiều bậc cha mẹ chẳng mấy khi quan tâm tới sách (chỉ mua sách giáo khoa cho con) nhưng các loại sách khác thì họ thờ ơ. Tấm gương của cha mẹ sẽ được con cái noi theo, trong đó có việc đọc sách.
Bản thân tôi thích đọc sách từ nhỏ, đến bây giờ vẫn đọc hàng ngày. Đọc sách thường xuyên cũng như “tập thể dục” cho bộ não ta. Nó làm cho đầu óc ta luôn sáng suốt, tỉnh táo; trí nhớ bền với thời gian.
“Sách là người bạn chân tình và sáng suốt. Nó chỉ giúp cho bạn con đường đúng đắn, nó giữ cho bạn khỏi lầm lạc. Có sách bên mình, cả trong thời thơ ấu, cả những lúc thanh xuân, cả những khi về già, bạn sẽ không bị cô độc, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ” (V. Vaxilépxcaia).
Đúng vậy, đọc sách giúp ta có nhiều kinh nghiệm sống, biết vận dụng, xử lý mọi tình huống diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Với học sinh, đọc sách sẽ tích lũy vốn từ ngữ, cách diễn đạt, trình bày, sắp xếp, dẫn giải một vấn đề sâu sắc, trôi chảy hơn. Không những thế, việc đọc sách còn góp phần giúp các em rèn luyện tư duy; cách viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp…
Nhưng làm thế nào để học sinh thích, say mê đọc sách? Trước hết thầy cô giáo phải là những người say mê đọc sách. Những tấm gương sáng đó sẽ truyền ngọn lửa say mê qua các em học sinh. Đó là những giây phút trao đổi, bàn luận về một nhân vật, một hành động, một chi tiết “đắt” trong tác phẩm, hoặc đó là những lúc đổi sách, tạo nên tình cảm thầy trò đẹp đẽ qua từng trang sách… Đọc sách nhiều, có chọn lọc sẽ giúp cho việc học bộ môn ngữ văn tốt hơn. Một khi mình xây dựng được nền kiến thức thì việc học những tác phẩm trong sách giáo khoa càng tiếp thu nhanh hơn, sâu hơn (có khi có những phát hiện ngoài lời giảng của thầy cô).
Ích lợi của việc đọc sách đã rõ ràng! Tiếc thay, trong nhà trường hiện nay ít duy trì việc đọc sách. Học sinh, giáo viên lúc rảnh rỗi chỉ chăm chăm lên mạng, lên facebook “tám” rất mất thời gian, vô bổ! Bao giờ trở lại ngày xưa – thuở ấy việc đọc sách còn say mê hơn cả đi chơi; có khi quên ăn vì mải mê chạy theo nhân vật trong sách.
Hồng Lam Sơn
Bình luận (0)