Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ra đề thi cho ai?

Tạp Chí Giáo Dục

Là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống, có tác động không nhỏ đến sự phát triển của thế hệ tương lai, nên các vấn đề về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhiều câu chuyện của giáo dục được bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn. Điều này, nhìn ở khía cạnh tích cực, rất có ích cho ngành giáo dục, vì có cơ hội lắng nghe những phản hồi trực tiếp, chủ động từ cộng đồng. Một trong những vấn đề về giáo dục được mọi người chú ý quan sát và góp ý là các đề thi. Theo đó, các đề thi được phân tích đa chiều, bởi nhiều ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội. Trước những phản hồi đa dạng đó, các đề thi sẽ được cân – đo – đong – đếm để thấy được ưu, khuyết trong việc đánh giá năng lực người học.

Từ thực tế trên, trong một số trường hợp, đã xuất hiện tâm lý ra đề thi nhằm đáp ứng nhu cầu phản biện của xã hội, nhằm thỏa mãn sự kỳ vọng của xã hội. Người ra đề thi dường như bị ám ảnh quá mức bởi áp lực từ dư luận nên đã vô tình hoặc cố ý ra đề theo hướng người đọc đề là dư luận chứ không phải là HS làm bài thi. Đã có những đề thi được dư luận tung hô là rất đổi mới, có tính thời sự, cập nhật thông tin kiến thức mới… Nhưng liệu những đề thi ấy có lợi ích cụ thể gì cho người học hay không, có thiết thực trong công tác đánh giá năng lực người học hay không thì lại là những vấn đề cần phải cân nhắc, xem xét lại.

Thi viết là một hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Với thi viết, đề thi là một yếu tố vô cùng quan trọng. Từ kết quả làm bài, chúng ta có thể phân loại trình độ của người học, biết được mức độ tiếp thu, chuyển hóa kiến thức của người học. Một đề thi hay còn giúp người học biết thêm thông tin mới, có thêm cách tư duy mới trên nền tảng những kiến thức đã có. Hay nói cách khác, một đề thi hay còn giúp người học đạt được một điều gì đó bổ ích sau khi làm bài. Công bằng mà nói, để có một đề thi tốt và hay, vừa đáp ứng nhu cầu đánh giá, vừa như thể một đơn vị bài học mới cho người học là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự công phu nghiên cứu của người ra đề.

Nói đi cũng cần nói lại, nhiều ý kiến góp ý đề thi không được phân tích đúng góc độ. Muốn đưa ra bình luận về đề thi, trước hết chúng ta cũng cần ngó qua khung chương trình giảng dạy ra sao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết một số yếu tố đặc thù của người học như thế nào. Mỗi đối tượng người học sẽ có kiểu/loại đề thi tương ứng nhằm phù hợp nhất có thể…

Trn Xuân Tiến
(Trưng ĐH Văn Hiến)

 

Bình luận (0)