Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Người quản lý suốt đời” của võ sư Thu Vân

Tạp Chí Giáo Dục

Nói về ông xã của mình, nhà giáo ưu tú (NGƯT) – võ sư Thu Vân ví von: “Đó là “người quản lý suốt đời” của tôi. Tôi thật sự biết ơn ông xã – Đại tá công binh Nguyễn Tấn Phước, người đã chịu biết bao đau khổ với người vợ có máu say mê nghề nghiệp như tôi. Có ông xã, tôi vượt qua tất cả…”.

Thu Vân cùng ông xã đi từ thiện (ảnh nhân vật cung cấp)

Vượt qua bệnh tật  nhờ võ thuật

Mặc dù đã bước vào tuổi 71, lại mang trong người căn bệnh ung thư, nhưng NGƯT, võ sư Thu Vân (Chưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền TP.HCM, đẳng cấp Bạch đai 18/18, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia Đại hội Võ thuật quốc tế tại Pháp) vẫn miệt mài dạy võ miễn phí cho trẻ em khuyết tật khắp cả nước. Từ năm 1965-2002, bà giảng dạy bộ môn vũ đạo và trình thức cải lương tại Trường Sân khấu Việt Nam, Trường Nghệ thuật Sân khấu II, Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Thời gian nghỉ hưu, bà tiếp tục được các trường ĐH tại TP.HCM mời giảng dạy bộ môn võ thuật. Bà đã ba lần sang Pháp, truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam cho tám võ đường ở Paris.

Khi phát hiện mình mang trong người căn bệnh ung thư hiểm nghèo, võ sư Thu Vân cũng suy sụp, buồn chán, nhưng chỉ sau một tuần, bà cứng cỏi gạt đi nỗi lo sợ bệnh tật, lao vào công việc. Bà lại càng gắng sức nhiều hơn và lấy việc dạy võ cho trẻ khuyết tật làm động lực tiếp tục sống”.

Võ sư Thu Vân cho biết: “Ông xã của tôi là đại tá quân đội. Tôi thương và biết ơn ông xã lắm. Ông ấy hy sinh cho tôi rất nhiều…”.

Thời kháng chiến, anh bộ đội công binh Nguyễn Tấn Phước vừa đẹp trai lại giỏi giang nên được nhiều cô gái thầm yêu, điều đặc biệt là trong đó có bốn cô tên Mai. Nhưng rồi một lần, nữ văn công Thu Vân xuất hiện trong đợt lưu diễn ở Bắc Giang đã khiến cho mọi chuyện đảo lộn. Cô văn công nhỏ nhắn ấy đã làm anh công binh xao xuyến, đem lòng yêu thương. Nhắc đến thời gian này, bà ngậm ngùi kể: “Sau 3 năm yêu nhau, lần đó ông ấy về phép, bị sốt rét, thấy thương quá, thế là cưới luôn. Bao khó khăn chồng chất nhưng chúng tôi đã sống hạnh phúc cho đến tận bây giờ”.

Bà nhớ như in câu chuyện những ngày đầu tiên về nhà chồng. Xa nhà đi theo đoàn nghệ thuật từ năm 13 tuổi, nên bà chẳng biết nấu nướng món gì, lúc vào bếp với mẹ chồng cứ lóng ngóng mãi, khiến cho cả nhà đều bật cười. Mẹ chồng, vốn tính hài hước, hỏi Thu Vân: “Ngoài nấu nướng ra, con còn làm được việc gì nào?”. Chỉ chờ có thế, Thu Vân cầm hai thanh củi, xin phép mẹ chồng, bước ra sân “bái tổ” rồi nhanh nhẹn đi một đường quyền “song đao lưỡng long” như rồng bay phượng múa. Gia đình nhà chồng bà vui mừng, biết rằng đã chọn được con dâu đúng ý, vì mẹ chồng và chị chồng của bà đều là những cao thủ võ nghệ ở Mỏ Cày – Bến Tre.

Luôn tranh luận trong sự hòa bình

Hỏi nhà giáo, võ sư Thu Vân, có khi nào dùng ưu thế võ thuật của mình để “tranh luận” với ông xã không. Bà cười: “Vợ chồng ai cũng có những lúc bất đồng với nhau, nhưng tôi và ông xã thì luôn tranh luận trong sự hòa bình”.

Võ sư Thu Vân đang dạy võ cho học trò. Ảnh: M.T

Hiện nay, ngoài niềm vui với công việc giảng dạy, niềm vui lớn nhất của bà là một gia đình quần tụ sum vầy. Trước mắt bà vẫn còn nhiều gánh nặng, ráng chạy vạy để có tiền lo cho căn bệnh của mình cũng như căn bệnh thận kinh niên của chồng và con trai, nhưng bà vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Nói về nghề giáo, bà chia sẻ: “Theo tôi, nghề giáo luôn là một nghề cao quý, được mọi người kính trọng. Để gắn bó với nghề giáo, đòi hỏi chúng ta phải có trái tim nhân ái và sự yêu thương, đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi yêu nghề và gắn bó với nghề”.

Hơn 50 năm theo nghiệp giáo, bà là một giáo viên rất nghiêm khắc, khó tính nhưng rất yêu thương học trò, không la mắng nhiều. Có lẽ chính điều đó mà nhiều học trò khi ra trường đều không quên được bà. “Với tôi, tất cả các sinh viên đều như nhau, có những em là con “ông này bà nọ” hoặc nghệ sĩ nổi tiếng cũng vậy, tôi dạy rất thoải mái, không phân biệt hoặc có một sự ưu tiên nào. Tôi mong, kiếp sau tôi vẫn xin được làm nhà giáo dù nghề này không giúp cho tôi làm giàu nhưng có được niềm vui của người gieo trồng…” – nhà giáo, võ sư Thu Vân chia sẻ như thế!

Đằng đẵng mấy chục năm theo đuổi nghiệp võ, nghiệp giáo, năm 1989, võ sư Thu Vân được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu cao nhất của ngành võ và trở thành Trưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền của TP.HCM. Năm 1997, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: NGƯT.

Minh Thành

Bình luận (0)