Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Băn khoăn phương thức xét tuyển học bạ

Tạp Chí Giáo Dục

Được xem là phương thức xét tuyển an toàn, giảm chi phí trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng kết quả học bạ THPT liệu có mang lại chất lượng đầu vào cho các trường đại học (ĐH) như mong muốn?
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Như Ý
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Như Ý

Xét tuyển học bạ được coi là tấm vé an toàn và dễ nhất để thí sinh có thể chắc suất vào ĐH với những trường có điểm chuẩn không quá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, không ít người lo ngại về chất lượng nguồn tuyển theo phương thức này.

Ghi nhận cho thấy, các trường ĐH top đầu hoặc không xét tuyển hoặc chỉ coi học bạ là một điều kiện để xét tuyển. Trường ĐH Y Hà Nội từ trước đến nay ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, còn lại chỉ xét tuyển kết quả kỳ thi 3 chung, kỳ thi THPT quốc gia và bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, trường có xét chứng chỉ ngoại ngữ nhưng vẫn dựa trên nền kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong 5 phương thức tuyển sinh riêng của Trường ĐH Ngoại thương, có 4 phương thức chỉ coi kết quả học bạ là điều kiện cần để thí sinh tham gia xét tuyển.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dành tỷ lệ xét tuyển phương thức riêng cao hơn năm trước, tuy nhiên, các phương thức đều có điều kiện điểm thi tốt nghiệp THPT phải đạt 18 điểm trở lên đối với 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT, các trường được tự chủ nên có quyền lựa chọn nhiều phương thức tuyển sinh. Xét tuyển học bạ có nhiều tiện lợi nếu công tác đánh giá học sinh ở bậc phổ thông đảm bảo chính xác, tin cậy, khách quan.

Thực tế, việc đánh giá này ở một số trường phổ thông chưa đảm bảo như mong muốn, xuất hiện tình trạng đâu đó lạm phát điểm nên những trường đánh giá đúng thí sinh sẽ bị thiệt. Bên cạnh đó, theo quy định, kết quả lớp 12 chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp THPT nên như một lẽ tự nhiên, một bộ phận giáo viên có thể sẽ nâng mạnh điểm học lực lên để bù cho học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Chính kết quả này đã ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức xét tuyển học bạ của các trường ĐH. “Như vậy, tưởng là trên một chuẩn nhưng thực tế không chuẩn vì không có mặt bằng chung thống nhất trong đánh giá học sinh phổ thông”, ông Vinh nói.

Nhiều trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT. So với năm 2020, mức độ quan tâm đến phương thức xét tuyển này của thí sinh và phụ huynh nhiều hơn. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, số nguyện vọng đăng ký xét học bạ đã vượt xa 40.000.

Cách xa chuẩn thế giới

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trường ĐH Ngoại thương, nói rằng, xu hướng hiện nay trên thế giới tuyển sinh kết hợp nhiều tiêu chí trên một thí sinh. Ví dụ, chứng chỉ ngoại ngữ là đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập ở môi trường ĐH sau này, học bạ là tiêu chí đánh giá năng lực học tập trước đó của sinh viên bên cạnh các chứng chỉ độc lập như SAT, ACT, rồi phỏng vấn, làm bài luận… Như vậy, so với thế giới, các trường ĐH Việt Nam dù có nhiều phương thức tuyển sinh nhưng lại quá đơn giản. Phụ huynh, thí sinh phàn nàn rắc rối nhưng thực chất là do phương thức của các trường có sự khác nhau. Trong khi bản chất của trường ĐH nước ngoài là đánh giá tổng hợp tất cả các tiêu chí đó, còn các trường ĐH Việt Nam đang dùng đơn lẻ mỗi phương thức tuyển sinh 1 tiêu chí để lựa chọn thí sinh.

Theo bà Hiền, tiêu chí xét chứng chỉ ACT, SAT đang được các trường lớn trên thế giới loại bỏ dần, vì năng lực thực sự của thí sinh hiện tại đã vượt quá những gì mà hai tổ chức khảo thí này có thể đánh giá nên họ tìm phương thức mới để tuyển đúng thí sinh. Còn Việt Nam đang chập chững hình thành các tổ chức đánh giá độc lập nhưng còn rất lâu mới đạt được trình độ như ACT hay SAT. Tuy nhiên, nếu làm tốt, các trường ĐH Việt Nam có thể dựa vào đó để tuyển sinh.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)