Đứng trước yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở môn ngữ văn, người giáo viên (GV) cần tự trang bị cho mình rất nhiều hiểu biết, tri thức, năng lực, kỹ năng. Bên cạnh nhận thức một cách thấu đáo về bản chất của dạy học phát triển năng lực người học, người GV phải tự trang bị những năng lực thiết yếu để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giảng dạy ngữ văn mới.
Theo tác giả, trong bối cảnh hiện nay, giáo viên môn ngữ văn cần bồi đắp thêm năng lực chuyên môn. Trong ảnh: Một tiết học môn ngữ văn của học sinh THPT. Ảnh: H.Giang
Nhóm tác giả Phan Trọng Luận trong cuốn “Phương pháp dạy học” đã phân biệt vai trò người GV trong cơ chế cũ và người GV trong cơ chế mới: “Một bên là cảm thụ thay rồi truyền thụ, dùng những thủ thuật bên ngoài, còn một bên là tổ chức thiết kế hoạt động bên trong của học sinh (HS) để các em cảm thụ, phân tích, chiếm lĩnh tác phẩm, do đó mà có được những bước tự nhận thức, tự phát triển về mọi mặt”. Sự chuyển đổi vai trò này rõ ràng đòi hỏi ở người GV những năng lực cụ thể trong hoạt động dạy học. Trong khi đó, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Hùng thậm chí còn kỳ vọng người GV phải tỏa sáng trong kỷ nguyên giáo dục mới. Cuộc cách mạng về người GV được nêu ra ở 4 lĩnh vực: Tri thức về quản lý điều hành lớp học; Tri thức về phương pháp giảng dạy; Tri thức về chuyên môn sâu; Tri thức về chẩn đoán. Khái niệm tri thức thực chất là những năng lực mà bất cứ GV có trách nhiệm phải tự trang bị.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, cùng với năng lực chung, năng lực sư phạm của người GV đặc biệt quan trọng: “Người GV có năng lực sư phạm là người biết vận dụng một cách thành thạo những kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm và những hiểu biết tổng hợp có được không chỉ trong nhà trường mà cả kinh nghiệm từ cuộc sống để giúp người học đạt kết quả một cách tốt nhất”. Đó là một GV phải thực sự là người đọc, người nói, người viết, người nghe tích cực, chủ động, có khả năng tự nghiên cứu chuyên môn, có hiểu biết, đặc biệt là sự độc lập, sáng tạo, tinh tế, nhạy cảm, có chất văn. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, bên cạnh những năng lực chung, GV môn ngữ văn cần bồi đắp 3 năng lực chuyên môn sau đây:
Thứ nhất, năng lực cảm thụ thẩm mỹ. Có lẽ không ai nghi ngờ về sự đòi hỏi năng lực này ở GV môn ngữ văn. Từ trước đến nay, mọi người đều dễ thống nhất ở quan niệm, dạy văn học là dạy một bộ môn có tính nghệ thuật nhằm đánh thức những rung cảm thẩm mỹ tinh tế, bồi đắp khả năng cảm thụ cái đẹp trong văn học cho HS. Chương trình môn học này đã có những thay đổi theo từng thời kỳ, song loại văn bản nghệ thuật (thơ, truyện, ký, kịch) bao giờ cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thực tế ở bậc THPT, dù HS có thiên hướng nghề nghiệp khác nhau nhưng những rung cảm thẩm mỹ vẫn là yếu tố không bao giờ vắng bóng trong đời sống thường nhật của mỗi con người. Có những GV đã ghi được dấu ấn rất sâu trong tâm hồn HS qua những giờ dạy văn chính nhờ điều này. Muốn bồi đắp say mê cái đẹp cho HS, dĩ nhiên người GV cần có năng lực cảm thụ thẩm mỹ dồi dào. Năng lực ấy biểu hiện ở trực giác bén nhạy, ở những rung cảm sâu sắc, ở khả năng phân tích cái đẹp của hình tượng nghệ thuật và các hình thức biểu hiện của nó. Trước một áng thơ hay, một cuốn truyện hấp dẫn, một vở kịch đặc sắc, nếu người GV hoàn toàn thờ ơ lãnh đạm thì làm sao có khả năng đánh thức ở HS niềm say mê hứng thú về cái đẹp của văn chương. Không thể đòi hỏi GV phải là người nghệ sĩ nhưng tâm hồn của một GV môn ngữ văn thì nhất thiết phải có chất nghệ sĩ.
Thứ hai, năng lực ngôn ngữ. Theo đó, ngôn ngữ chung là công cụ của người GV. Tuy nhiên đối với họ, tiếng Việt không chỉ là phương tiện dạy học mà còn là tri thức cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Năng lực ngôn ngữ phải là năng lực đặc thù của GV môn ngữ văn. Năng lực này thể hiện ở khả năng đọc hiểu văn bản vì đây là một năng lực chuyện biệt của môn ngữ văn. Năng lực đọc hiểu nói cho cùng chứa đựng trong nó hàng loạt “năng lực bộ phận” như năng lực nắm bắt cái mã riêng của văn bản, năng lực phát hiện thông tin chính yếu của văn bản, năng lực tư duy hệ thống, năng lực cắt nghĩa – lý giải các tầng bậc ý nghĩa của văn bản, năng lực đối thoại. Để có khả năng đọc hiểu văn bản, GV phải có được một năng lực ngôn ngữ ngày càng hoàn thiện, nhờ đó, thầy cô có thể hoàn thiện khả năng nói và viết của mình. Muốn vậy, GV phải tự bồi dưỡng bằng nhiều cách: hướng dẫn HS giải quyết những đề đọc hiểu trong các tài liệu khác nhau, tự kiểm tra khả năng giải mã các văn bản nghệ thuật mới mẻ ngoài chương trình. Nếu tiến hành thường xuyên những “bài tập” kiểu đấy chắc chắn trình độ cảm thụ thẩm mỹ và năng lực ngôn ngữ của GV sẽ được nâng lên rõ rệt.
Một trong những “công cụ” của GV là lời nói. Công cụ này có sắc bén thì dạy học mới có hiệu quả, đặc biệt đối với môn ngữ văn. Dù các phương pháp khác được đề cao nhưng phương pháp diễn giảng vẫn không bị khai tử. Dù lấy HS làm chủ thể nhưng không thể hình dung một giờ dạy học lại thiếu sự điều hành của GV thông qua phương tiện ngôn ngữ. Đối thoại và tổ chức đối thoại cũng là năng lực cơ bản của GV môn ngữ văn. Trước hết, GV cần tạo không khí dân chủ thật sự trong hoạt động dạy học. Theo đó, GV nên đóng vai trò là “người tham dự – chia sẻ” trong lớp học, tạo quan hệ bình đẳng với HS trên con đường đi tìm chân lý khoa học cũng như chân lý đời sống.
Thứ ba, năng lực kích thích khả năng tư duy và khả năng phản biện của HS. Trong hệ thống các môn khoa học xã hội, môn ngữ văn đặc biệt thuận lợi cho việc trình bày những ý kiến riêng của HS. Tinh thần phản biện của HS thể hiện rất đa dạng, nhất là khi GV chú trọng đến hoạt động đối thoại. Nếu phản biện là sự thể hiện rõ rệt năng lực tư duy của HS thì kích thích khả năng phản biện lại là một năng lực sư phạm quan trọng của GV môn ngữ văn. Trong chương trình mới, những vấn đề văn học và đời sống đều gợi mở nhiều cách cảm nhận, đánh giá khác nhau. HS có thể tiếp cận nhiều luồng thông tin, nhiều nguồn tri thức. Vì thế, kích thích khả năng phản biện phải đi đôi với sự định hướng tư duy và nhận thức. Những gì các em tiếp thu hôm nay trong nhà trường sẽ được kiểm chứng gắt gao và rất nhanh ở đời sống xã hội cũng như ở bậc học kế tiếp. Đây là những thử thách không nhỏ đối với trình độ và bản lĩnh của GV môn ngữ văn.
TS. Đặng Lưu
(Viện Sư phạm Xã hội, Trường ĐH Vinh)
Bình luận (0)