Tôi vẫn thường sưu tầm những bài báo hay, những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục thiết thực lồng vào bài học để cung cấp thông tin cũng như giáo dục học sinh sống đẹp, sống tử tế. Một trong những câu chuyện đầu năm học mới mà thầy trò cùng lắng đọng khi đọc bài báo viết về một người thầy dạy môn giáo dục công dân ở TP.HCM. Còn 15 phút kết thúc tiết học, thầy trò cùng đọc bài báo này cho nhau nghe. Càng đọc càng thấm từ những điều mà thầy Trần Tuấn Anh chia sẻ. Vừa đọc nội dung bài báo, tôi vừa “bình luận” những lời nói tâm huyết của thầy, qua từng vấn đề mà phóng viên đặt câu hỏi để cho học sinh hiểu thêm. Tôi cũng giới thiệu cho học sinh biết thêm về người thầy tuyệt vời này.
Tôi đã từng được dự một tiết thầy Trần Tuấn Anh dạy cho học viên ở một trung tâm GDTX. Bài giảng hôm đó với nội dung biết ơn cha mẹ. Lời dẫn dắt của thầy cùng với những hình ảnh, câu chuyện sinh động ngoài… sách giáo khoa đã khiến cho hàng chục học viên rơi nước mắt, xúc động vô cùng. Một số học viên òa khóc thành tiếng khiến nhiều em chỉ rơi nước mắt rồi cũng sụt sùi theo. Bản thân tôi và một số thầy cô cũng ứa nước mắt từ bài học ấy. Dẫu không phải là giáo viên dạy môn giáo dục công dân, nhưng từ tiết học ấy, tôi đã học hỏi được bài học quý từ thầy và vận dụng trong bài dạy chuyên môn (môn ngữ văn) của mình cũng như làm những chuyên đề vào giờ chào cờ. Chính những hình ảnh, câu chuyện từ thực tế cuộc sống, đặc biệt là những clip ý nghĩa lồng vào nội dung bài học khiến cho giờ học sinh động, hấp dẫn và chuyển tải những bài học quý – bài học của sự tử tế ngoài kiến thức khô khan trong sách giáo khoa.
Với tôi, thầy Trần Tuấn Anh là người thầy dạy giỏi nhất về môn giáo dục công dân mà tôi được biết. Thầy đúng là “người thầy sinh ra để dạy môn đạo đức”. Một người thầy tâm huyết, hết mình vì học sinh thân yêu. Tôi tin rằng, những thế hệ học sinh từng được thầy dạy, các em sẽ học được nhiều bài học quý, bài học tử tế từ tấm gương trong sáng của thầy. Điều thầy tha thiết ước mơ là “mỗi trường học hãy là thánh đường của sự lương thiện”, đó cũng là ước mơ của những người thầy đã chọn nghề “trồng người”. Muốn trường học được như vậy thì thầy cô hãy thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo về sự tử tế, chớ lý thuyết suông khiến học sinh “dạ, vâng” khi đối diện, nhưng xem thường khi chỉ là tấm gương ảo (dạy điều hay mà làm việc dở).
Nhà trường hãy là nơi dạy điều tử tế, đâu cần nêu cụ thể, cũng chẳng cần phân tích, mổ xẻ, bởi ai cũng biết điều đó. Nếu ai cũng ý thức và hành động làm điều tử tế, tôi tin rằng thế hệ mai sau sẽ sống có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng; ứng xử văn hóa, văn minh và sống có nghĩa tình.
Thái Hoàng
Bình luận (0)