Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quy định nhập thiết bị đã sử dụng: Làm khó doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Dàn máy móc đã qua sử dụng được một doanh nghiệp Việt Nam nhập về. Ảnh: I.T

Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, các doanh nghiệp khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, linh kiện, phụ tùng… của nước ngoài đã qua sử dụng phải có độ tuổi không vượt quá 10 năm. Đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này gây khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho thị trường hàng Trung Quốc. Vấn đề trên được nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 4-5.

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vừa và nhỏ, có vốn đầu tư ít vì thế không có đủ điều kiện để trang bị máy móc có công nghệ hiện đại của Nhật Bản, châu Âu. Ông Đỗ Phước Tống (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh) cho rằng, để đầu tư máy móc mới, công nghệ cao của các nước tiên tiến thì phải có vốn dự phòng vài chục tỷ đồng. Con số này rất khó đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay ở Việt Nam. Còn đối với máy móc cũ dưới 10 năm tuổi, doanh nghiệp cũng khó mua được vì số lượng rất ít, chiếm khoảng 1%, mà giá lại cao. Các máy này do một số công ty phá sản bán ra và được các doanh nghiệp sở tại mua hết vì còn sử dụng tốt.

“Quy định của Thông tư 23 khiến các doanh nghiệp phải nhập máy móc của Trung Quốc, có giá tương đương. Quy định này vô hình trung tạo điều kiện cho thị trường máy móc Trung Quốc phát triển trên đất… Việt Nam. Nhưng vấn đề đáng nói là chỉ sau thời gian sử dụng ngắn, máy móc của Trung Quốc không còn hiệu quả, hỏng hóc, phải bỏ đi. Và dĩ nhiên, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời bị hạn chế phát triển”, ông Đỗ Phước Tống cho biết.

Liên quan đến chất lượng của máy móc Trung Quốc, đại diện một đơn vị kinh doanh máy móc kim loại tấm chia sẻ, xét tính bảo vệ môi trường của các loại máy nhập từ nước này hết sức yếu kém. Đơn cử, một máy dập loại mới của Trung Quốc tiêu tốn 130 lít dầu, ngược lại máy dập loại cũ của Nhật Bản chỉ hết khoảng 80 lít. Điều đáng lo ngại là hiện nay có đến hơn 90% doanh nghiệp sử dụng máy móc của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Minh Văn (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp MTC) cũng thông tin, có những máy cũ từ nước Anh bán ra với giá vừa phải, chất lượng tốt nhưng trước Thông tư 23, doanh nghiệp của ta không mua được vì máy có độ tuổi lớn, bắt buộc phải mua máy của Trung Quốc với giá đắt hơn. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp Trung Quốc lại quay sang mua chính loại máy mà nước Anh bán đi vì chất lượng cao hơn.

Trước những bất cập của Thông tư 23, ông Đỗ Phước Tống kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nên xem lại quy định nhập máy móc cũ dưới 10 năm liệu có phù hợp không? Vì hiện đa số các máy trên thị trường đã qua sử dụng có tuổi đời từ 15-30 năm, được các công ty lớn bán đi để đổi máy mới nhưng trong điều kiện nhất định vẫn sử dụng tốt do được sản xuất tại quốc gia tiên tiến về kỹ thuật chế tạo công cụ.

Bài, ảnh:  N.Trinh

Bình luận (0)