Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Định hướng đúng cho học sinh THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 2 ngày 4 và 5-5, hơn 700 học sinh Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận) và THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) đã được các chuyên viên tư vấn chia sẻ nhiều vấn đề về tâm sinh lý tuổi dậy thì và định hướng đi trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM) đang trao đổi với học sinh Trường THCS Độc Lập

Đây là hai trường đầu tiên mở màn cho chuỗi chương trình tư vấn học đường dự kiến được tổ chức tại 15 trường THCS trên địa bàn TP.HCM với khoảng 20.000 lượt học sinh tham gia.

Mơ nhưng phải… tỉnh

Ngay từ đầu chương trình, không khí đã “nóng” lên bởi những lời chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM) về việc lựa chọn trường THPT trong thời gian tới. Theo TS. Thúy, để lựa chọn được trường học, hướng đi phù hợp, các em cần phải trả lời được 3 câu hỏi “Em là ai? Em có năng lực, sở thích, sở trường gì?”, “Em muốn gì?” và “Em có kế hoạch gì để thực hiện được ước muốn đó?”. Nhiều học sinh sắp hoàn thành chương trình THCS đều mong muốn vào được ngôi trường THPT mình mơ ước. Nhưng ước mơ đôi khi lại cách xa với thực tế và chính các em sẽ gặp phải cú vấp đầu đời nếu không lựa chọn được bước đi phù hợp ngay từ đầu. Vì vậy, khi đặt bút làm hồ sơ tuyển sinh lớp 10, các em phải tỉnh táo cân nhắc giữa năng lực, điều kiện của mình với thực tế đầu vào của ngôi trường mình mơ ước trong nhiều năm gần đây. Và khi đã xác định mục tiêu rõ ràng, các em cần có kế hoạch để thực hiện tới cùng mục tiêu đã đề ra.

Phân biệt giữa “thích” và “yêu”

Các em học sinh Trường THCS Độc Lập lắng nghe các chuyên gia tư vấn

Cần cái bắt tay giữa nhà trường và xã hội

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, cho biết chương trình được tổ chức nhằm tư vấn cho các em các vấn đề về tâm sinh lý, sức khỏe, cách phòng và tránh nhằm bảo vệ bản thân trước những thực trạng xấu đang diễn ra trong thời gian gần đây. Đồng thời, chương trình cũng định hướng về cách học, cách chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình giúp các em có một hướng đi phù hợp trong thời gian sắp tới, góp phần cùng thực hiện Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị về hướng nghiệp và phân luồng sau THCS.

Trong khi đó, cô Huỳnh Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập đánh giá cao hiệu quả mà chương trình mang lại, đây cũng là cách thể hiện sự quan tâm của xã hội với vấn đề giáo dục giới tính cho các em. “Nhà trường có tổ chức các hoạt động giáo dục, định hướng tâm sinh lý cho các em nhưng không thể quan sát hết được hành động của các em vì 3/4 thời gian của các em là ở gia đình và xã hội. Sự tương tác, ảnh hưởng xã hội có tác động rất lớn tới sự hình thành ý thức và nhân cách cho các em. Các trường học rất cần sự tương tác từ những chương trình tư vấn tâm lý như thế này”.

Sau vấn đề chọn trường, TS. Thúy cũng khéo léo chuyển sang một vấn đề rất thu hút sự quan tâm của học sinh là tâm sinh lý, tình cảm lứa tuổi học trò với những diễn biến phức tạp, đôi khi là khó hiểu. Khoảng cách giữa thích và yêu đôi khi rất khó phân biệt khiến nhiều bạn dễ lầm tưởng và trao tình cảm một cách vội vàng. Nói về vấn đề này, em Trần Đoan Thục (lớp 9A9 Trường THCS Độc Lập) đã mạnh dạn đặt một câu hỏi được xem là vấn đề chung của tất cả học sinh về cách phân biệt giữa “thích” và “yêu” và thế nào là một tình yêu đích thực. “Em thấy nhiều bạn nữ khi có tình cảm thường bị bạn trai có những hành động sàm sỡ nhưng khi chống đối thì lại bị quy kết là không yêu thật lòng nên đành phải nhắm mắt “chiều”, dù đôi khi bạn ấy chỉ mới thích bạn trai này. Vậy trong những trường hợp đó, bạn gái nên làm gì?”. TS. Thúy khẳng định: “Ở lứa tuổi các em, việc thích một ai đó là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng thích khác với yêu, phải thích thật nhiều và đi đến một ngưỡng nhất định mới được gọi là tình yêu. Các em có thể thích 2-3 người cùng một lúc nhưng khi yêu thì chỉ có một. Tình yêu đầu đời rất thiêng liêng và sẽ để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng mãi về sau nên khi quyết định trao tình cảm cho ai, các em cần suy xét nhiều yếu tố. Một tình yêu đích thực là cả hai phải cùng tôn trọng, chấp nhận và quan tâm lẫn nhau, nếu khi bạn trai có cử chỉ thân mật quá mức nhưng bị bạn gái từ chối sẽ dừng lại, không bắt ép bạn gái phải làm theo ý muốn của mình. Còn trong trường hợp dù bị từ chối nhưng bạn trai vẫn cố thực hiện cho bằng được thì đó là tình yêu theo kiểu ích kỷ, không bền lâu và thậm chí dẫn đến những hậu họa khó lường cho bản thân bạn gái”. Và để tránh gặp phải những tình huống khó xử như thế này, TS. Thúy cũng dẫn chứng ra hai trường hợp gần đây nhất: một bạn gái đã bị nhóm bạn trai cưỡng bức tập thể khi tham gia tiệc sinh nhật một bạn trong nhóm; một bạn nữ khác nhân dịp ba mẹ đi vắng đã rủ bạn trai về nhà và cũng bị cưỡng bức. “Tôi khuyên các em không nên đi cùng bạn trai vào những nơi vắng vẻ hay chốn riêng tư chỉ có hai người vì đó chính là tạo cơ hội cho người khác xâm hại chính mình”, TS. Thúy chia sẻ.

Không phải rớt lớp 10 công lập mới vào tư thục

Trao đổi với học sinh hai trường, ThS. Trương Thị Mỹ Lai (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà) đã hướng dẫn các em cách chọn môi trường học tập phù hợp với điều kiện bản thân. Theo đó, các em nên cân nhắc vào học lực, điều kiện gia đình và mạnh dạn chọn hướng đi phù hợp cho mình sau THCS. Đó có thể là các trường trung cấp nghề, các trường thuộc hệ thống ngoài công lập trên địa bàn thành phố. “Trước nay, nhiều học sinh và phụ huynh thường có suy nghĩ chỉ khi nào rớt lớp 10 công lập mới vào trường ngoài công lập. Trên thực tế, ở những trường ngoài công lập có uy tín tại TP.HCM, việc nhận hồ sơ học sinh được tiến hành rất sớm và càng về sau điều kiện để tuyển sinh đầu vào càng khắt khe hơn. Nếu nộp trễ, các em khá giỏi có thể đánh mất cơ hội được miễn giảm học phí trong 1 năm học, thậm chí là đánh mất luôn cơ hội được vào trường. Vì thế, phụ huynh nên suy nghĩ thật kỹ để con em mình có được sự lựa chọn phù hợp ngay từ lớp 10”, ThS. Mỹ Lai cho hay.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)