Giống như các môn học khác, môn tiếng Anh đòi hỏi học sinh phải thường xuyên rèn luyện nắm vững kiến thức cơ bản ngữ pháp, cấu trúc câu, trau dồi kiến thức về từ mới, cụm từ cũng như kỹ năng đọc, hiểu… Dưới đây là những lưu ý khi ôn tập và làm bài thi.
Thứ nhất, các em học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa, vận dụng làm các bài tập và bổ sung kiến thức trong sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT. Trong đó, việc học từ mới là vấn đề đầu tiên mà các em phải chú ý đầu tư thời gian. Học từ và cụm từ, có thể học theo từng nhóm để tích lũy được càng nhiều từ mới thì càng dễ dàng trong việc đọc, dịch và hiểu để làm các yêu cầu còn lại trong bài kiểm tra, bài thi…
Thứ hai, rèn luyện kỹ năng đọc. Các em cần đọc nhiều kèm theo đó là học từ mới. Đối với một đoạn văn nào đó yêu cầu đọc hiểu thì để có thể đạt điểm tối đa ở các câu hỏi phần này, học sinh có thể học cách đọc lướt để lấy thông tin chính, hiểu ý tác giả. Đọc lấy chủ đề chính của bài đọc để hiểu ý suy ra từ nội dung chính.
Thứ ba, nắm vững cấu trúc câu cơ bản, cụm từ, cấu trúc câu chính. Đây là phần ngữ pháp mà học sinh được học trong tất cả các năm học của hệ 3 hoặc 7 năm. Cần chú ý bổ sung vững chắc những phần kiến thức còn yếu trong thời gian ôn tập. Trong đó chú trọng kỹ năng viết lại câu. Đây là dạng bài tập không quá khó nhưng đòi hỏi học sinh phải nắm được cấu trúc ngữ pháp của các dạng câu để viết lại cho đúng.
Thứ tư, rèn luyện cách viết luận, phát triển đoạn văn về những chủ đề cơ bản đã được học trong chương trình sách giáo khoa, ví dụ như: sách, môi trường, giáo dục, gia đình, y tế… Với vốn từ vựng còn ít phong phú, thì nên viết những câu văn ngắn nhưng diễn đạt đủ và đúng ý chủ đề, tránh lan man dài dòng dẫn đến sai logic và sai cả ngữ pháp.
Thứ năm, cần bám sát cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2015. Ngoài các kiến thức cơ bản, rèn luyện làm thêm nhiều đề thi những năm gần đây, làm đa dạng các kiểu bài tập. Đồng thời phải có tư duy tổng hợp logic để không lúng túng trước các dạng đề thi. Tham khảo thêm các đáp án của Bộ GD-ĐT để rút kinh nghiệm khi làm bài.
Thứ sáu, khi làm bài thi, cần xem kỹ yêu cầu của đề thi, không vội vã chọn đáp án mà hãy suy nghĩ chắc chắn để chọn đáp án đúng. Bên cạnh đó cần phản xạ nhanh với các dạng bài thi trắc nghiệm. Làm câu nào chắc câu đó, để tránh mất thời gian. Với những câu hỏi không chắc chắn hãy làm sau. Đối với câu trắc nghiệm, phương án nào sai thì loại ngay, các từ còn lại nếu không chắc chắn thì xác định loại từ để chọn ra từ đúng.
Mai Thị Phương Thảo
(giáo viên Trường THPT
Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng)
Bình luận (0)