Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngừng tuyển nhóm ngành sức khỏe hệ trung cấp: Dục tốc bất đạt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe hệ trung cấp (TC) tại TP.HCM hiện không chỉ đào tạo đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu lao động. Vậy với những thông tin như đến năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ ngừng tuyển điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… trình độ TC; năm 2018 ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ TC y, kỹ thuật viên y học… mà Bộ Y tế đã đưa ra sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các trường này?

HV ngành điều dưỡng Trường TC Ánh Sáng thực hành ở trường

Quyết định… quá vội vàng

TP.HCM hiện có 25 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đào tạo nhóm ngành sức khỏe, gồm 5 trường ĐH, 4 trường CĐ và 15 trường TCCN. Quy mô đào tạo học viên (HV) TCCN nhóm ngành này tính đến hết học kỳ I năm học 2015-2016 hơn 14.000 HS. Trong các cơ sở đào tạo này, nhiều trường đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu nhân lực không chỉ trong nước mà còn các nước khác như Đức, Nhật Bản…

Đơn cử như Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, từ năm 2015 đã thực hiện thí điểm đào tạo tiếng Đức cho 30 HV ngành điều dưỡng sang CHLB Đức làm việc. Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi học xong chương trình TC điều dưỡng, HV sẽ sang Đức làm việc ở các viện dưỡng lão, cơ sở y tế nhưng muốn được xác định năng lực để đi làm ở Đức cần có thêm 2 điều kiện nữa là tiếng Đức đạt chuẩn B2 và thực tập giống tu nghiệp sinh ở nước này 1 năm. Như vậy, quy định này đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và HV nên có thể ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường”.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Trường TC Bách khoa Sài Gòn để đặt vấn đề tuyển hộ sinh, hộ lý sang Nhật làm việc. Điều kiện sang nước này làm việc là sau khi có bằng TC và bằng tiếng Nhật, HV qua Nhật thực hành 6 đến 12 tháng và đăng ký thi chứng chỉ tay nghề. Theo đó, nhà trường đã chuẩn bị mọi thủ tục cũng như nâng cao chất lượng để đến tháng 7 này Quốc hội thông qua Luật Xúc tiến nhân sự nguồn lao động Việt Nam sang Nhật làm việc thì trường sẽ tiến hành tuyển sinh theo đơn đặt hàng này. Thế nhưng, nếu năm 2018 các trường TC buộc ngừng tuyển sinh hệ TC y dược thì công sức của tập thể nhà trường như muối bỏ bể.

Ngoài ra, ông Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng nhà trường – lo lắng: “Những năm gần đây HV đăng ký học ngành điều dưỡng đang giảm, quyết định này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người học. Các em lo lắng sau 2 năm học xong hệ TC thì bước tiếp theo sẽ như thế nào khi các cơ sở y tế ngừng tuyển điều dưỡng, hộ lý, hộ sinh hệ TC”.

Về vấn đề này, trong công văn gửi Bộ GD-ĐT mới đây của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã ghi nhận rõ: “Quy định này đã làm cho các trường TCCN trên địa bàn TP, đội ngũ giáo viên và HV đang theo học tại các trường TCCN có đào tạo nhóm ngành sức khỏe lo lắng, không yên tâm công tác và học tập”.

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng thẳng thắn: “Quyết định này vội vàng vì chưa có điều tra xã hội, thống kê, phản biện của chuyên môn. Trong thực tiễn, thời gian đào tạo trình độ CĐ ở nước ngoài tương đương với trình độ TC ở Việt Nam. Chẳng hạn như các nước Mỹ, Anh, Đức, sau THPT thì học sinh được đào tạo 2 năm có bằng CĐ. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế phải giải bài toán cho khoảng 150 trường đào tạo hệ TC nhóm ngành sức khỏe trước, chưa có giải pháp nào cho hàng trăm giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bậc TCCN nhóm ngành này nếu quy định thực hiện…”.

Được biết, Trường TC Ánh Sáng hiện đã có 40 HV ngành điều dưỡng sang Đức học tập và làm việc. “Với những HV xác định sang nước ngoài học tập thì không có vấn đề gì nhưng với những em cân nhắc ở lại Việt Nam thì khá lo lắng khi quy định này thực hiện”, ông Sáng cho biết thêm.

… và hơi “tréo ngoe”

“Bộ Y tế ra quyết định một mình, trong khi Bộ GD-ĐT vẫn duy trì đào tạo chương trình TC nhóm ngành sức khỏe nên đây là một quyết định hơi “tréo ngoe”. Bộ Y tế phải cùng với Bộ GD-ĐT có phương án cụ thể cho các trường đào tạo hệ TC, để các trường đào tạo TC nâng cao chương trình lên CĐ…”, ông Châu Văn Dưỡng kiến nghị.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Khi chính thức thực hiện quyết định này, Bộ GD-ĐT nên có chương trình liên thông cụ thể hoặc bồi dưỡng thêm cho HV để đạt trình độ cao hơn chứ không phải là dấu chấm hết đối với các em”.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đưa ra 3 đề xuất đối với Bộ GD-ĐT khi thực hiện quy định này: Thứ nhất là Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thông tin rõ về quy hoạch nguồn nhân lực phân bổ theo địa phương và theo trình độ đào tạo nhóm ngành sức khỏe từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm giúp các trường chuyên nghiệp có thông tin để đào tạo nhóm ngành sức khỏe đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Thứ hai, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn và định hướng phát triển lâu dài cho các trường TCCN có đào tạo nhóm ngành sức khỏe, đặc biệt cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện đề án nâng cấp các trường TCCN thành trường CĐ, thời gian đào tạo trình độ CĐ theo niên chế thực hiện từ 2-3 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT (theo điều 33, Luật Giáo dục nghề nghiệp). Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch liên thông lên CĐ cho tất cả HV đã tốt nghiệp TCCN thuộc nhóm ngành sức khỏe, đáp ứng yêu cầu chuẩn về chức danh nghề nghiệp của các ngành quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)