Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tàu cá vẫn ra khơi

Tạp Chí Giáo Dục

Việc cá chết hàng loạt ở ven biển tại một số tỉnh miền Trung hồi gần cuối tháng 4 vừa qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngư dân ở khu vực này. Vậy hiện nay, khi mà nguyên nhân cá chết vẫn chưa được làm rõ thì hoạt động của các ngư dân này thế nào?

Tàu đánh bắt thủy hải sản neo đậu ở cảng cá Tuy Hòa (Phú Yên) chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Trọng Tri

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Giáo dục TP.HCM đã đi tìm hiểu thực tế tại các tỉnh miền Trung. Tại đây ghi nhận, ngư dân vẫn ra khơi bình thường, dù lợi nhuận sau mỗi chuyến chỉ vừa đủ, thậm chí là lỗ…

Lỗ hay lãi vẫn… ra khơi

Hỏi chuyện lãi, lỗ sau chuyến đi lưới cá chuồn gần 20 ngày, ngư dân Ngô Đình Hòa (P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) chậm rãi, nói: “Cũng vừa đủ tổn, chuyến khá hơn thì dư 20 đến 30 triệu đồng”. Dù vậy, ông Hòa vẫn không khỏi lo lắng khi cá đầu mùa nhưng không có giá như trước. “Chưa bao giờ ngư dân miền Trung gặp khó như lúc này. Trong năm, biển no hay không là thời điểm này, không lâu nữa là vào mùa mưa bão, ghe nằm bờ”, ông Hòa tâm tư.

Thương lái Thanh (bìa phải) tại cảng cá P.6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên

Nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung sớm ổn định cuộc sống, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT lập đường dây nóng, tiếp nhận ý kiến, chia sẻ về khó khăn của ngư dân để có hướng giải quyết hiệu quả. Theo đó, đường dây nóng, gồm: 0979 815 668 (ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương); (04) 222 053 59 hoặc 0906 725 555 (ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Phòng Thương mại nông sản, vật tư và hàng tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước).

Ngư dân Bùi Văn Thuấn (thôn Tây, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, ông và bạn biển phải mất hai ngày để chuẩn bị cho chuyến ra khơi sau một thời gian dài nằm bờ. “Cá chết tại các địa phương ven biển miền Trung cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân chúng tôi. Thủy, hải sản đánh bắt xa bờ về, người thu mua cũng dè dặt nhưng nay thì khác rồi, thương lái thu mua ầm ầm, không có hàng để bán”.

Với sự xuất hiện của thương lái, không khí tại các cảng cá trở nên sôi động, khác hẳn cái yên ắng, buồn tẻ trong những ngày trước đó. Tại cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), ngay từ sáng sớm đã đông nghịt người mua, bán. Thương lái địa phương và các tỉnh, thành lân cận cũng đã có mặt từ sáng sớm để đón những chuyến ghe bạn hàng cập bến. Bà Nguyễn Thị Vương đến từ cảng cá Quy Nhơn, Bình Định cho biết, đã mở rộng phạm vi thu mua cũng như tìm nguồn hàng phong phú.

Thương lái Đỗ Văn Thanh (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) cho biết: Các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy, hải sản tại TP.HCM cũng đã chủ động chuyển vùng thu mua từ Khánh Hòa trở vào. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cá tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định giảm đi. “Một vài doanh nghiệp thu mua cá giá rẻ tại các tỉnh này rồi chuyển về Khánh Hòa để phân phối lại với giá rất cao”, ông Thanh khẳng định.

Đồng hành cùng ngư dân

Với các giải pháp hỗ trợ ngư dân của Chính phủ và các cơ quan ban ngành địa phương, tình hình thu mua cá tại địa phương ven biển Trung Trung bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chưa thể nói là hết khó khăn, song ngư dân vẫn quyết tâm ra khơi.

Bà Vương chia sẻ: “Giá cả ở đâu cũng thế, chỉ chênh lệch chút đỉnh để bù vào phí vận chuyển, thương lái chúng tôi sống được là nhờ bà con ngư dân, ép giá quá thì ai bán cho mình. Hơn nữa bà con đang ít nhiều gặp khó khăn, bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, chúng tôi cũng có trách nhiệm chia sẻ, đồng hành để động viên họ”.

Nguyên nhân giá cá thấp, theo ông Hòa là do thương lái “ăn theo” cá chết. “Có thấp cũng phải bán chứ không thể dự trữ, bảo quản được. Bán để lấy tiền mà đi nữa, có thể chuyến sau sản lượng nhiều hơn”, ông Hòa kỳ vọng. Ông Hòa cho biết thêm, giá cá có thấp nhưng tiêu thụ hết, thương lái gom một lần và giao tiền ngay. Ông Hòa cũng bác bỏ tin đồn ngư dân đánh bắt cá về đến cảng nhưng thương lái không thu mua, đành đổ lại biển. Ngư dân đủ tỉnh táo để lựa chọn nơi thu mua có uy tín, không có chuyện thương lái ép giá khiến ngư dân khốn đốn.

Trưởng ban quản lý cảng cá P.6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên, ông Cao Văn Lộc khẳng định: “Dù là ghe đánh bắt xa hay gần bờ cũng đều đặn cập và xuất bến. Theo đó, số ghe đánh bắt cá ngừ đại dương sản lượng vẫn đảm bảo và giá cả ổn định như đầu năm. Riêng cá ồ, cá nục, cá chuồn… giá có giảm nhưng không phải “rớt thê thảm” như nhiều người nói. Đơn vị thu mua tại cảng đều được bà con ngư dân tin tưởng từ nhiều năm nay nên cũng yên tâm ra khơi”.

Bài, ảnh: T.Anh

Cá nuôi nước ngọt tăng giá

Nguồn thủy, hải sản tiêu thụ tại địa bàn TP.HCM được kiểm soát an toàn, tuy nhiên tâm lý người dân vẫn còn dè dặt. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá các loại cá sông, cá nuôi… tăng đột biến. Quán cơm từ bình dân đến cơm văn phòng, giá mỗi phần cơm tôm rim, cá hú, cá lóc, cá điêu hồng… cũng nhích lên từ 5.000 đến 7.000 đồng. Giải thích việc tăng giá, người bán cho biết, tăng theo giá bán ở chợ. Tiểu thương chợ Bà Chiểu thừa nhận, mỗi ký cá nuôi nước ngọt tăng từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/kg, tùy loại. Thịt gia cầm cũng đã tăng nhẹ trong những ngày qua bởi đây là thực phẩm thay thế món cá tạm thời trong bữa ăn của một số gia đình.

T.A

Phân phối cá biển tại cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa)

 

Bình luận (0)