Phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay được đánh giá thông minh, đáp án môn thi tự luận được đánh giá dễ chấm. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm năm 2018, các sở GD&ÐT hiện siết chặt công tác chấm thi.
Thứ trưởng GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ kiểm tra công tác chấm thi tại Quảng Ninh Ảnh: Nghiêm Huê
Các địa phương đang gấp rút tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT 2020 để kịp tiến độ công bố ngày 27/8 theo quy định. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Lê Ngọc Quang, khẳng định, thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc, không chủ quan trong suốt quá trình chấm thi. Kinh nghiệm cho thấy, có năm có giám khảo tự nguyện xin rút khỏi ban chấm thi vì tiến độ và chất lượng chấm thi không đáp ứng được yêu cầu. “Năm nay cũng vậy, nếu trong quá trình chấm thi, giám khảo nào không đạt yêu cầu, làm ảnh hưởng tới cả tập thể thì cũng cần phải thay thế”, ông Quang nói.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế (Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm), nói rằng, phần mềm chấm thi trắc nghiệm tốt, thông minh và thân thiện nên thuận lợi cho công tác chấm thi. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, ông Đinh Ngọc Sơn (Trưởng ban chấm thi tự luận), cho biết, Quảng Ninh có 620 túi bài thi tự luận (môn Ngữ văn), Sở đã chọn 104 giáo viên từ 300 giáo viên Ngữ văn cốt cán của toàn tỉnh làm cán bộ chấm thi. Vấn đề quan tâm nhất là tập huấn chấm thi.
Khi có quyết định điều động cán bộ chấm thi, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình chấm thi để họ nghiên cứu trước. Đồng thời, tổ chức thêm một cuộc họp so với quy định của Bộ GD&ĐT để phân công nhiệm vụ, kiểm tra cơ sở vật chất, thống nhất trước cách chấm, thống nhất kế hoạch chấm thi. Ông Sơn cho hay, dự kiến, ngày 20/8 chấm xong tự luận.
Theo ông Sơn, nhiều giáo viên cho rằng, thường có sự chấm không đều tay giữa tổ chấm này với tổ chấm kia, người này với người kia, thậm chí với cùng một người. Những bài yếu có thể chấm lỏng tay một chút, những bài khá thì lại hơi chặt tay. Do đó, năm nay, khi tập huấn, Sở đã thống nhất lại. Trước khi bài thi được đưa cho cán bộ chấm thi, ban chấm thi tự luận tổ chức chấm chung toàn hội đồng 10 bài trong vòng 3 giờ. Sau đó, lại về chấm chung tại các tổ. Ông Sơn cho biết, phổ điểm 10 bài Ngữ văn chấm chung đạt từ 3,5 điểm đến 7 điểm. Ông đánh giá quy chế hướng dẫn chấm thi, đáp án môn tự luận năm nay dễ hiểu, dễ chấm đối với cán bộ chấm thi.
Ðảm bảo đúng quy chế
Những ngày cuối tuần, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn kiểm tra thi của Bộ làm việc với Hà Nội và Quảng Ninh. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, chấm thi tự luận tại các địa phương này, Ông Độ nói rằng, năm nay, chấm thi còn thêm một mục tiêu nữa là bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, khu vực chấm thi phải thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch COVID-19.
“Trong công tác chấm thi, tôi đề nghị chúng ta không chủ quan. Trong hàng trăm cán bộ chấm thi, chỉ cần một người thiếu “ngay ngắn” là sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hội đồng thi”. Thứ trưởng GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ. |
Ngoài ra, công tác chấm thi phải phản ánh đúng chất lượng của thí sinh. Muốn vậy, cán bộ chấm thi phải thực nghiêm túc quy chế thi, bám sát vào hướng dẫn chấm thi. Cán bộ chấm thi cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm và thái độ làm việc. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra những sai sót hoặc nhầm lẫn không đáng có như cộng thiếu điểm, hoặc ký nhầm…
Theo ông Độ, đối với bài tự luận, phải bảo đảm nguyên tắc chấm thi theo hai vòng độc lập và phải thực sự nghiêm túc, khách quan, công bằng, trách nhiệm. Đối với chấm thi trắc nghiệm, Thứ trưởng đề nghị thực hiện nghiêm túc quy trình và trình tự các bước, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Thực hiện cẩn thận, chu đáo đến từng chi tiết. Các bước tiến hành phải bám sát quy chế; trong quá trình thực hiện, nếu địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hướng dẫn. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc chấm thi tự luận quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập, 2 giám khảo chấm 2 vòng phải ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau để tránh trao đổi trong quá trình chấm.
“Giám khảo chấm thi phải thực hiện theo đúng quy chế và hướng dẫn chấm thi, không làm tắt, không làm thay việc của người khác. Ví dụ, giám khảo chấm vòng 1 có thể vì muốn gọn việc nên lại làm thay việc cả giám khảo chấm vòng 2 là những điều tuyệt đối không để xảy ra. Giám khảo không ghi điểm thành phần vào bài thi vì như thế 2 giám khảo cứ nhìn và cho điểm, giám khảo 1 chỉ được phép gạch phần giấy không làm của thí sinh mà không được ghi gì thêm vào bài thi”, ông Độ lưu ý.
Với khâu chấm kiểm tra, ông Độ đề nghị cần thực hiện đúng theo yêu cầu mới đặt ra trong kỳ thi năm nay. Khi chấm kiểm tra nếu thấy kết quả lệch so với 2 giám khảo chấm trước đó thì cán bộ chấm kiểm tra phải báo cáo lãnh đạo ban chấm thi để có phương án xử lý, không phải gặp lại giám khảo chấm bài thi đó để thảo luận trực tiếp. Ông cho rằng, với những giáo viên có biểu hiện tâm lý không ổn định, chấm không đều tay thì cũng nên có giải pháp thay thế, không nhất thiết phải để chấm từ đầu đến cuối. Ông cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh kế hoạch chấm thi để giải phóng nhanh cho các thầy cô giáo, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)