Những người yêu thiên văn có thể quan sát sự kiện hiếm hoi khi sao Thủy lướt ngang qua đĩa Mặt Trời trong vài giờ vào hôm 9/5.
Theo Discovery News, sự kiện này diễn ra 10 năm sau khi sao Thủy dịch chuyển gần Mặt Trời nhất vào tháng 11/2006 và dự kiến đến năm 2019, các nhà thiên văn mới có cơ hội quan sát lần chuyển dịch tiếp theo.
Hình ảnh sao Thủy dịch chuyển qua Mặt Trời do Đài quan sát Mặt Trời Hinode của Nhật Bản ghi lại năm 2006.
Bóng đen nhỏ bé của sao Thủy sẽ băng qua đĩa Mặt Trời trong khoảng thời gian 7 tiếng, từ 11 giờ 12 phút đến 18 giờ 42 phút. Nếu thời tiết thuận lợi, hầu hết khu vực châu Mỹ và Tây Âu có thể quan sát toàn bộ quá trình dịch chuyển. Khu vực có tầm quan sát rõ nhất là châu Phi và một phần châu Á. Người dân ở Đông Á và Australia không thể theo dõi sự kiện này do thời điểm diễn ra rơi vào ban đêm. Sao Thủy, hành tinh ở gần Mặt Trời nhất sẽ đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, nhưng chỉ che khuất được 1/150 đĩa Mặt Trời.
Đây là cơ hội cho các nhà thiên văn thực hiện một số nghiên cứu khoa học. Khisao Thủy dịch chuyển qua đĩa Mặt Trời, họ có thể quan sát ngoại quyển, tầng không khí rất mỏng bên ngoài hành tinh này. Ngoại quyển của sao Thủy hình thành khi gió Mặt Trời liên tục quét qua bề mặt đá, gây ra hiện tượng các phân tử khí cuộn lại như đuôi sao chổi.
Bằng cách quan sát ánh sáng Mặt Trời xuyên qua ngoại quyển, các nhà thiên văn có thể tìm hiểu về tương tác của Mặt Trời với các thiên thể.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)