Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh vào lớp 10: Những lỗi sai cần tránh

Tạp Chí Giáo Dục

Để đạt kết quả bài thi cao nhất và trúng tuyển đúng nguyện vọng lựa chọn vào lơp 10, thí sinh cần tránh những lỗi hay mắc phải.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) trong giờ ôn tập 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) trong giờ ôn tập. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, có khoảng 82.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021. Trong đó có 74.912 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 thường, 6.524 dự thi lớp 10 chuyên và 857 dự thi chương trình tích hợp.
Những lưu ý khi vào phòng thi
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.
Trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì cán bộ coi thi lập biên bản và cho thí sinh dự thi. Tất cả các trường hợp đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Được biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT công lập khoảng 66.500 học sinh. Như vậy, với số lượng thí sinh đăng ký dự, sẽ có gần 16.000 thí sinh không trúng tuyển.

Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi, trong đó bài thi ngữ văn và toán có hệ số 2, bài thi ngoại ngữ hệ số 1 và điểm ưu tiên. Từ quy định về cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10, ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6), cho biết điểm bài thi 2 môn toán, ngữ văn tác động lớn đến kết quả xét tuyển của thí sinh. Với hệ số 2 thì điểm bài thi càng cao sẽ có nhiều ưu thế trong việc trúng tuyển đúng nguyện vọng mà các em lựa chọn. Vì vậy, học sinh cần chuẩn bị tốt những kỹ năng làm bài các môn thi.
Không đi vào yêu cầu của đề bài
Qua nhiều năm tham gia công tác chấm thi môn ngữ văn, cô Phạm Thị Thanh Nga, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đưa ra một số lưu ý để thí sinh cần tránh khi làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Chẳng hạn, ở câu nghị luận xã hội, khi đề đưa ra nhiều phương án và yêu cầu học sinh (HS) bàn về một trong các phương án. Nếu HS dành dung lượng quá nhiều cho việc nhận xét chung về tất cả các phương án thì đã sai về kỹ năng làm bài. Chưa kể với dung lượng một trang giấy thi mà ôm đồm quá nhiều vấn đề, HS sẽ không thể bàn luận thấu đáo bất cứ vấn đề nào. “Đây là lỗi sai diễn ra dai dẳng trong nhiều năm”, cô Nga nhận xét.
Cô Thanh Nga cho hay giáo viên chấm thi thường thấy một số lỗi sai HS thường mắc ở câu nghị luận văn học như viết quá nhiều mà không ý thức đúng yêu cầu đề. Chẳng hạn, đề đòi hỏi bàn về nhân vật qua một đoạn trích thì HS lại bàn về nhân vật trong cả tác phẩm. Hay đề yêu cầu cảm nhận về một tác phẩm rồi liên hệ với một tác phẩm khác thì HS đi vào phân tích cả 2 tác phẩm. Đây là lỗi sai nghiêm trọng về kỹ năng, chứng tỏ người viết chưa nắm vững cách làm bài, chưa xác định đúng yêu cầu trọng tâm của đề và chưa biết phân phối dung lượng bài cho hợp lý. Những bài như vậy tất nhiên điểm không thể nào cao.
Không hiểu bản chất bài toán thực tế
Đối với môn toán, thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng để có kết quả tốt nhất, phải cẩn thận ngay từ những câu hỏi đơn giản, cơ bản. Phải xác định đúng dấu, biển đổi từng bước, tính toán thật chính xác để lấy trọn điểm ở 2 câu hỏi đầu tiên của đề thi.
Bình tĩnh, đọc để hiểu bản chất của bài toán thực tế trong đề thi tuyển sinh lớp 10, chọn lọc những thông tin cần thiết để sử dụng giải bài do nội dung câu hỏi dài, nhiều thông tin khác nhau. Khi giải, cần phải đưa về phương trình dạng chuẩn mới được phép sử dụng máy tính để tìm nghiệm. Nếu thí sinh không thực hiện đúng thao tác trên, cho ra nghiệm luôn sẽ không được tính điểm. Ngoài ra, lưu ý đổi chính xác đơn vị để tránh sai kết quả một cách đáng tiếc.
Theo Bích Thanh/TNO

 

Bình luận (0)