Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Mô hình nông nghiệp sạch bằng hệ thống tự động

Tạp Chí Giáo Dục

Trở về từ Pháp sau 6 năm học tập và làm việc, thay vì trở thành giảng viên một trường ĐH lớn tại Việt Nam, tiến sĩ trẻ Đào Xuân Quy lại chọn một hướng đi khác, đó là làm việc ở Khoa Kỹ thuật công nghệ của Trường ĐH Quảng Bình.

TS. Đào Xuân Quy giới thiệu mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại smartphone” cho sinh viên

Tại nơi này, anh đã say mê nghiên cứu và phát huy khả năng sáng tạo cùng các cộng sự thực hiện công trình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại smartphone” để áp dụng trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp ở Quảng Bình.

Tiến sĩ Đào Xuân Quy là cựu sinh viên chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và là một trong 7 sinh viên của trường được chọn đi đào tạo tại Pháp theo chương trình học bổng 322 của Chính phủ. Sau khi bảo vệ luận văn tiến sĩ, anh trở về Việt Nam với dự định ban đầu là làm việc ở một tập đoàn nước ngoài tại TP.HCM – vừa được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, vừa được sống cùng gia đình. Nhưng mọi dự tính đã hoàn toàn thay đổi khi anh ghé thăm vùng đất Quảng Bình vào năm 2014. Cảnh vật, con người cùng những khó khăn thiếu thốn nơi đây đã là động lực níu chân chàng trai trẻ ở lại với một mục tiêu duy nhất: được đóng góp công sức và trí tuệ của mình nhằm góp phần cải thiện giáo dục và nông nghiệp ở mảnh đất này – vùng đất khô cằn nhiều nắng gió. Và đó là lý do anh quyết định trở thành giảng viên Trường ĐH Quảng Bình.

Mô hình nhà kính tự động

“Người nông dân cũng rất muốn được trồng thử nghiệm các loại cây mới nhưng nếu chưa ai làm thì họ cũng sẽ không dám làm”, TS. Đào Xuân Quy nói.

Trở thành giảng viên, anh bắt tay vào nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Quảng Bình. Tuy là tiến sĩ tự động hóa nhưng điều mà anh Quy trăn trở nhất là làm sao để cải thiện tình trạng thực phẩm nhiễm hóa chất đang ngày càng đe dọa sức khỏe con người. Theo anh, nhu cầu thực phẩm sạch rất quan trọng, đặc biệt là rau sạch. Tuy nhiên, đất đai và khí hậu của Quảng Bình không thuận lợi, vì vậy cần áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, giá trị kinh tế cao nhằm thúc đẩy kinh tế, dịch vụ và đặc biệt là du lịch của Quảng Bình. “Một điều phi lý là Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu các loại sản phẩm mà mình có thể sản xuất được. Ở Quảng Bình, người dân thường chỉ trồng các loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp như khoai lang, sắn, lúa…, trong khi tôi lại muốn thử nghiệm trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày nhưng mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần phát triển dịch vụ du lịch như dưa lưới, dâu tây, phong lan… Để làm được điều này thì cần phải xây dựng hệ thống nhà kính tự động để có thể điều khiển và giám sát môi trường, tạo môi trường tương tự như Đà Lạt để cây trồng phát triển”, anh Quy nói.

Nghĩ là làm, anh Quy cùng với nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Quảng Bình và nhóm Combros (một nhóm Startup do những giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thành lập) đã thiết kế và chế tạo thành công mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại smartphone”. Hệ thống tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính thông qua các cảm biến: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và cơ cấu chấp hành: quạt, bơm tưới, mái che. Điểm đặc biệt của mô hình này là sử dụng nguồn năng lượng sạch và vô tận: năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng tái tạo. Hơn nữa, mô hình này được điều khiển từ xa bằng điện thoại smartphone thông qua kết nối không dây wifi nên không đòi hỏi nhiều nhân công và sức lao động. Hiện tại, mô hình đã thành công bước đầu và đang triển khai vào môi trường thực tế. Nếu bước thử  nghiệm tại môi trường thực tế thành công, mô hình sẽ được nhân rộng để bà con nông dân áp dụng vào quy trình sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lại nằm ở chỗ kinh phí thực hiện cao hơn so với lối sản xuất nông nghiệp truyền thống và bản thân người nông dân vẫn còn e ngại khi áp dụng mô hình mới. “Người nông dân cũng rất muốn được trồng thử nghiệm các loại cây mới nhưng nếu chưa ai làm thì họ cũng sẽ không dám làm. Muốn thay đổi được điều này thì cần phải có sự vào cuộc của 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà đầu tư. Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành chủ trương, nhà đầu tư cung cấp tài chính, nhà khoa học đưa công nghệ vào ứng dụng trong đời sống. Nếu cộng hưởng được cả 3 yếu tố này thì chắc chắn tư tưởng của người nông dân cũng sẽ thay đổi”, anh Quy phân tích.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tích cực tìm gọi nhà đầu tư để sẵn sàng hỗ trợ vốn, kinh phí cho người nông dân triển khai và nhân rộng mô hình này vào thực tế. Khi mô hình được triển khai, người nông dân có thể trồng được các loại cây có giá trị kinh tế cao mà điều kiện thiên nhiên của Quảng Bình không cho phép.

Ngọc Anh – Thanh Hiên

Bình luận (0)