Theo lịch do Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày là 9 và 10-8. Trước đó, vào 14 giờ ngày 8-8, thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục dự thi, sửa chữa sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi.
Cán bộ coi thi phát giấy cho thí sinh dự thi THPT quốc gia năm trước
Khác năm 2019 thí sinh được có thể đăng ký cả 2 bài tổ hợp, năm nay các em chỉ được dự thi duy nhất 1 bài tổ hợp, môn thi thành phần của 1 bài thi tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cũng khác với những năm trước, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ không tham gia khâu coi thi.
Giảng viên ĐH không coi thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản giữ ổn định hình thức thi như năm 2019. Theo đó, có 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (môn thành phần vật lý, hóa học, sinh học); 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (môn thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông bậc THPT phải làm 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc và một bài tổ hợp tự chọn; thí sinh giáo dục thường xuyên dự 2 bài bắt buộc và một bài tổ hợp tự chọn. Khác năm 2019 thí sinh được đăng ký cả 2 bài tổ hợp thì năm nay các em chỉ được dự thi duy nhất 1 bài tổ hợp, môn thi thành phần của 1 bài thi tổ hợp.
Trong việc sắp xếp thí sinh, quy định phải bố trí thí sinh lớp 12 giáo dục THPT cùng các thí sinh tự do khác; bảo đảm tỷ lệ có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 giáo dục THPT trong tổng số thí sinh của điểm thi. Trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của Bộ GD-ĐT. Giống năm 2019, việc sắp xếp phòng thi được thực hiện theo bài thi, mỗi phòng có tối đa 24 thí sinh và bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang.
Theo ông Phạm Quốc Khánh (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT), điểm mới lớn nhất của kỳ thi năm nay là thay đổi mục tiêu tổ chức. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT; lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm trước. Khác với mọi năm, năm nay, các em chỉ được chọn thi 1 bài tổ hợp duy nhất
Do thay đổi mục tiêu nên việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh. Cụ thể, kỳ thi được giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương. Việc tổ chức kỳ thi có sự liên quan đến nhiều bộ, ban ngành. Do đó, quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh phải là lãnh đạo UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh cũng được yêu cầu có mặt trong thành viên ban chỉ đạo thi này. Tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên các ban, hội đồng được quy định rõ ràng.
Công tác coi thi cũng có điểm mới là không có sự tham gia của giảng viên các trường ĐH, CĐ. Quy chế quy định, trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi (không phụ trách cơ sở vật chất), cán bộ coi thi và cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi trong năm 2020. Mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau; mỗi cán bộ giám sát thực hiện giám sát không quá 3 phòng thi trong cùng một dãy. Cán bộ coi thi được tham gia bắt thăm phân công nhiệm vụ coi thi, bảo đảm nguyên tắc một cán bộ không coi thi quá một lần tại một phòng thi trong kỳ thi.
Quá trình coi thi, các tình huống bất thường (nếu có) đặc biệt là tình huống ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, cán bộ coi thi phải thông qua cán bộ giám sát để báo ngay cho trưởng điểm thi xem xét quyết định trước khi xử lý.
Chú ý lựa chọn nhân sự tham gia làm thi
Tại hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để triển khai tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đảm bảo an toàn, chính xác, khách quan, minh bạch đòi hỏi sự vào cuộc sát sao, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, các bộ ban ngành liên quan và 63 tỉnh/thành phố.
Theo Thứ trưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điểm mới nên tất cả nhân sự tham gia làm thi phải hiểu kỹ, nắm chắc quy chế để triển khai thực hiện hiệu quả. Thứ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý lựa chọn các nhân sự tham gia làm thi sao cho vừa vững chuyên môn, vừa có đạo đức, trách nhiệm. Thứ trưởng nhấn mạnh, người đứng đầu điểm thi mà “ngay ngắn” thì việc tổ chức kỳ thi ở đó được đảm bảo. Mỗi điểm thi thực hiện tốt, đảm bảo các nhiệm vụ, các khâu thì cả kỳ thi sẽ thành công tốt đẹp.
Thứ trưởng một lần nữa yêu cầu chọn đúng người, giao đúng việc, tập huấn kỹ lưỡng để nhân sự nắm chắc quy chế; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tăng cường thanh, kiểm tra các khâu của kỳ thi và xử lý tốt các tình huống phát sinh. Khi làm đúng và làm tốt từ ban đầu, những bước tiếp theo của kỳ thi sẽ được đảm bảo.
Mê Tâm
Bình luận (0)