LTS: Sau hai bài viết: Nên đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới? (ngày 6-5) và Thay đổi cách dạy văn trong nhà trường (ngày 9-5), tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Dưới đây là ý kiến của một giáo viên ở Đà Nẵng.
Người thầy dạy tốt là phải biết cách dạy cho học sinh hiểu bài, thích học môn mình dạy (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Nói cho cùng, dẫu có thay đổi nội dung chương trình hoặc đổi mới giáo dục cách nào đi chăng nữa thì vấn đề người thầy cần phải đặc biệt quan tâm.
Bởi lẽ, người thầy giỏi là người thầy biết thâu tóm kiến thức, biết điều tiết và truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách hấp dẫn, hiệu quả nhất. Nhiều năm qua, cho thấy rằng ở tất cả cấp học, kiến thức đều quá tải song vẫn có nhiều người thầy dạy tốt, được học sinh ngưỡng mộ, xã hội tôn kính, Nhà nước vinh danh. Cho nên cần phải quan tâm đến vấn đề người thầy. Giáo dục ngày càng cần có nhiều người thầy có bản lĩnh, biết cách làm “thầy” và đó chính là “chìa khóa” của công cuộc đổi mới giáo dục.
Người thầy có bản lĩnh trước hết phải yêu nghề, say mê với nghề, hết lòng vì học sinh. Không có và không bao giờ để tư tưởng vụ lợi, ích kỉ, nhỏ mọn che lấp, làm choán hết nhiệm vụ vì học sinh của mình. Phải có tư tưởng thông thoáng, thân thiện, cởi mở với đồng nghiệp và với cả học sinh. Người thầy phải có ý chí tiến thủ, vươn lên trong mọi hoàn cảnh kể cả trong nghịch cảnh; mạnh dạn học hỏi, tự “sửa” mình để tiến bộ. Người thầy phải có kiến thức thật sự, biết chăm chút kiến thức, không ngừng trau dồi nghề nghiệp, chuyên môn của mình, nhất là không nên giấu dốt. Phải có nghệ thuật nắm bắt tâm sinh lí của mọi đối tượng học sinh, nhất là học sinh cá biệt để tìm cách tiếp cận mà dạy tốt. Điều quan trọng là người thầy phải mạnh dạn đổi mới chính mình, hoàn thiện mình để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong mỗi thời kì.
Trong thời đại công nghệ hiện nay thì người thầy biết vận dụng thành thạo CNTT vào việc giảng dạy là một lợi thế đáng kể, tuy nhiên ở đây cần nói rõ hơn là không phải người thầy biết vận dụng CNTT là dạy tốt mà người thầy dạy tốt là biết cách dạy làm cho học sinh hiểu bài, thích học môn mình dạy… Cụ thể, người thầy dạy toán tài hoa chỉ cần vạch một đường phấn nhanh thành hình tròn mà không thể nào tròn hơn làm học sinh phải ngỡ ngàng, thán phục; người thầy dạy văn có tâm hồn thì chỉ cần bình một câu thơ là đã mở ra trước mặt trò cả một chân trời mới lạ; chỉ cần một chi tiết lịch sử, người thầy dạy sử tài hoa sẽ làm cho các em ngưỡng mộ về cả một thời kì hào hùng của dân tộc… Những người thầy như thế chính là “chìa khóa” của đổi mới giáo dục.
Vậy nên, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi trả lời báo chí đã thể hiện quan điểm giáo dục của mình là quan tâm đến vai trò hàng đầu của người thầy trong nhiệm vụ mới của mình là một hướng đi nhằm đổi mới nền giáo dục nước nhà.
Hi vọng rằng trong tương lai, ngành giáo dục sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình là định hướng, tìm cho được nhiều người thầy như đã nói ở trên để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho “tâm, trí, tầm” của họ được thăng hoa, có như thế mới đảm bảo rằng công cuộc đổi mới giáo dục đến đích tốt đẹp, giáo dục nước nhà sẽ sớm khởi sắc.
Nguyễn Văn Tú
Bình luận (0)