Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì sao môn sử lại đìu hiu?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc có rất ít học sinh chọn lịch sử làm môn dự thi tốt nghiệp THPT một lần nữa gây buồn lòng nhiều người, nhất là những người yêu quý bộ môn này, cũng như những người lo lắng cho việc gìn giữ bản sắc, truyền thống của dân tộc.

Muốn học sinh chọn môn lịch sử, Bộ GD-ĐT phải có sự thay đổi môn thi bắt buộc. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 trong giờ học môn lịch sử. Ảnh: Anh Khôi
Trong “tâm lý lây lan”, hễ ngành nào có nhiều người chọn thì lại càng thu hút thêm nhiều người khác chọn nữa, còn ngành nào ít người chọn thì lại làm những người khác phân vân hơn.

Các thống kê cho thấy, tại Đà Nẵng, chỉ có 6,7% thí sinh lựa chọn môn lịch sử để dự thi; còn ở các địa phương khác, xét theo số đăng ký ở từng trường, tỉ lệ cũng rất thấp, thậm chí có trường không có thí sinh nào đăng ký thi môn này. Lại một lần nữa, môn lịch sử tiếp tục đìu hiu so với các môn khác.

Lý giải về tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng vẫn là các nguyên nhân cũ. Đó là môn lịch sử không nằm trong “trào lưu” lựa chọn để thi vào các trường ĐH, vốn vẫn là “lãnh địa” của các môn như toán, vật lý, sinh học… Bởi môn lịch sử chỉ nằm trong khối thi của một số ít ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, bản thân lĩnh vực này cũng đã có ít thí sinh rồi. Đã vậy, trong “tâm lý lây lan”, hễ ngành nào có nhiều người chọn thì lại càng thu hút thêm nhiều người khác chọn nữa, còn ngành nào ít người chọn thì lại làm những người khác phân vân hơn. Nên xem đây là lý do chủ yếu của tình trạng học sinh ít chọn môn lịch sử, vì việc chọn học và thi môn gì phần lớn gắn với việc định hướng nghề nghiệp. Nhìn ở góc độ này để không quá nặng nề việc vì sao môn lịch sử ít được lựa chọn.

Bên cạnh đó, chính Bộ GD-ĐT cũng chưa đặt nặng đúng mức vị trí của môn lịch sử trong cơ cấu chương trình học và thi. Từ chỗ các môn thi tốt nghiệp THPT gồm 6 môn (đều bắt buộc) và có sự luân phiên giữa một số môn, trong đó có môn lịch sử thì từ năm 2015 đến nay, số môn thi giảm còn 4 (4 môn tối thiểu), trong đó có 3 môn bắt buộc (gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ). Như vậy, môn lịch sử và một số môn khác (trong đó có địa lý) đương nhiên không còn nằm trong số những môn buộc học sinh phải tập trung học, bởi không ai chọn thi tốt nghiệp một môn mà không cần lấy điểm xét tuyển ĐH của môn đó nếu không phải là môn bắt buộc. Vì vậy, nên chăng Bộ GD-ĐT cần tính toán lại số môn thi và có sự thay đổi môn bắt buộc hàng năm? Chẳng hạn, thi 5 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, 1 môn trong số các môn địa lý, lịch sử, sinh học, vật lý, hóa học và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại; như vậy các môn vốn ít được lựa chọn sẽ có thêm cơ hội xuất hiện bởi sẽ lần lượt là môn bắt buộc.

Đừng để “thanh niên Việt Nam rành sử Tàu hơn sử Việt”!

Có thể nói, môn lịch sử tiếp tục đìu hiu ở kỳ thi THPT quốc gia 2016 dù rất đáng tiếc song vẫn chưa phải là điều thực sự đáng báo động; điều cần nói chính là nhận thức của xã hội, của nhân dân về lịch sử, về truyền thống nước nhà và thái độ của người dân đối với tình trạng hụt hẫng kiến thức lịch sử của một bộ phận thanh thiếu niên. Bởi giáo dục truyền thống là một chuỗi tích hợp bao gồm cả giáo dục lịch sử trong nhà trường và công tác tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức. Vì vậy, cần thiết thực hiện tốt đồng thời cả hai nhiệm vụ này thì mới có thể khắc phục được hiện tượng mà nhiều người vẫn cho là “thanh niên Việt Nam rành sử Tàu hơn sử Việt”!

Hay việc thực hiện bài thi môn lịch sử bằng hình thức tự luận cũng có thể gây trở ngại cho học sinh. Việc học và thi môn lịch sử theo hình thức này dường như có sự lặp lại, từ câu hỏi đến cấu trúc đề, từ kiến thức đến cách đánh giá, thường khó có sự đột biến, kể cả so với một số môn tự luận khác (như môn ngữ văn chẳng hạn), nên học sinh dễ cảm thấy nhàm chán, ít tạo được sự hứng thú trong học và thi. Nên chăng thực hiện kết hợp giữa thi trắc nghiệm và tự luận, với cơ cấu 60-70% điểm từ phần thi trắc nghiệm, phần tự luận sẽ có câu hỏi (1 hoặc 2 câu) nêu sự vận dụng, ý nghĩa, bài học rút ra từ một nhân vật hoặc một sự kiện nào đó trong lịch sử. Để làm được điều này, cần xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và lập các tổ hợp đề theo cách vừa có câu hỏi kiến thức cơ bản (chấp nhận phải nhớ chi tiết (thuộc lòng) nhưng ở tỉ lệ vừa phải) vừa có bài học, ý nghĩa…

Dĩ nhiên, đi cùng với các giải pháp đó vẫn là thay đổi từ chương trình giảng dạy và nội dung giảng dạy. Cần thiết tính toán số tiết và lượng kiến thức cho phù hợp với từng bậc học. Chẳng hạn, bậc tiểu học nên học nhiều về các chuyện kể lịch sử, các gương danh nhân…, không cần học về chi tiết các sự kiện; bậc THCS nên học khái quát về các triều đại và các giai đoạn lịch sử của nước ta, sơ lược về các giai đoạn phát triển của thế giới và các nền văn minh chủ yếu; ở bậc THPT thì sẽ dạy sâu hơn đối với học sinh chuyên ban khoa học xã hội, học cả kiến thức và bài học, sự vận dụng, với học sinh các chuyên ban khác thì bổ sung kiến thức ở bậc dưới còn thiếu. Cùng với đó là sách giáo khoa, tài liệu, đồ dùng dạy học cho phù hợp…

Trúc Giang

Bình luận (0)