Hơn 1 tháng nay, cứ vào sáng thứ bảy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) lại chở rác đến trường để đổi lấy các sản phẩm tái chế từ… rác như hộp đựng bút, chậu hoa, kệ sách, khung hình.
Đông đảo học sinh trong trường tham gia thi “Thử thách cùng A2”
Hoạt động giáo dục rất ý nghĩa này nằm trong dự án Zero Waste (Không rác – PV) do cô Nguyễn Thị Hoài Hương (giáo viên môn hóa) cùng học sinh lớp 12A2 của trường thực hiện. Ngoài đổi rác nhận quà, với mong muốn lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, dự án Zero Waste còn tổ chức nhiều sự kiện, tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh trong trường xung quanh vấn đề rác như tuyên truyền phân loại rác dưới cờ; thi “Thách đố với A2” qua đường đua Zero Waste – Race. “Rác được thu gom gồm có rác nhựa, giấy, pin, hộp sữa và đồ điện tử cũ. Trong đó, rác nhựa được phân ra và tái chế thành các sản phẩm dùng để đổi quà cho người góp rác. Còn pin, vỏ hộp sữa và đồ điện tử cũ được học sinh đưa đến các điểm thu gom rác. Chỉ trong 3 tuần phát động, dự án thu được trên 136kg rác các loại, có học sinh gom đến 8kg rác”, cô Hương cho biết.
Dự án Zero Waste được cô Hương triển khai bắt nguồn từ bài học về Polime, các loại nhựa, ứng dụng và tác hại của các loại nhựa trong chương trình hóa học lớp 12. Theo cô Hương, thông qua các hoạt động cụ thể sẽ là cách để hiện thực hóa những kiến thức mà học sinh đã học, gắn với thực tế cuộc sống và đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ môi trường. Một tuần đầu tiên trước khi bắt tay thực hiện dự án, học sinh trong lớp được tập huấn trang bị các kiến thức về bảo vệ môi trường: Thay đổi và hình thành thói quen 3R, đó là giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế sản phẩm nhựa, cung cấp những địa chỉ sống xanh, những điểm thu gom rác không tái chế, cách chế tạo các sản phẩm tái chế từ rác nhựa… “Ngoài việc giúp chúng em nhận biết, phát triển thêm các kiến thức về nhựa trong cuộc sống, dự án còn chỉ ra các biện pháp bảo vệ môi trường mà mỗi người có thể áp dụng được, hướng tới lối sống xanh ngay trong môi trường học đường”, Thái Lê Hoàng Phương (lớp 12A2) cho biết.
Cô Nguyễn Thị Hoài Hương cùng học sinh lớp 12A2 tham gia một chặng đua của dự án
Không chỉ gói gọn trong khuôn khổ một lớp học, dự án Zero Waste còn thu hút đông đảo học sinh các lớp trong trường tham gia qua cuộc thi “Thách đố với A2”. Ở thử thách này, mỗi trạm đua là những kiến thức liên môn toán, lý, hóa, sinh có liên quan đến rác thải, đến môi trường sống. “Đó có thể chỉ là một bài toán tính về khối lượng rác thải trong môn toán, hay thiết kế mô hình tái chế trong môn lý, hoặc kiến thức về phân loại rác trong môn sinh… Khi nói về việc bảo vệ môi trường, nếu chỉ hô hào suông thì rất khó thành công. Do đó, chúng tôi mong muốn qua mỗi nội dung sẽ là một kênh để “đánh động” học sinh có trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường qua từng hành động cụ thể”, cô Hương nhấn mạnh.
Theo cô Đặng Hoàng Hà (Phó Hiệu trưởng nhà trường), dự án Zero Waste đã thực sự tạo ra một sân chơi kết nối học sinh, phát triển kỹ năng, gắn với kiến thức bài học và trách nhiệm cộng đồng. “Bước ra ngoài kiến thức sách vở và không gian lớp học, dự án đã tạo điều kiện để học sinh học hỏi, tương tác lẫn nhau, trang bị thêm các kiến thức về cuộc sống, kỹ năng mềm mà một tiết học truyền thống không có được. Đặc biệt, đây cũng là cách để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới”, cô Hà cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)