Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bài thơ của một cô giáo dạy văn ở Hà Tĩnh đã gây xôn xao dư luận. Liền sau đó là những bài “họa” ăn theo; thậm chí có người còn phổ nhạc, đàn hát khá “tích cực”, rôm rả…
Khoan hãy nói đến những hệ lụy về sau của bài thơ trên; ở đây tôi chỉ nói về hành vi phát ngôn và trách nhiệm của người dạy học, nhất là người dạy văn.
Chúng ta đều biết, nghề dạy học là nghề trực tiếp tiếp xúc với con người. Nhưng con người ở đây là những học sinh đang ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, sự hưng phấn rất mãnh liệt nhưng sự kiềm chế rất yếu. Lứa tuổi này dễ bị kích động; thực hiện hành vi thiếu suy nghĩ, nghiêng về cảm tính nhiều hơn. Lứa tuổi này rất hay bắt chước, mà thông thường bắt chước cái xấu luôn “nhanh nhạy” hơn!
Do đó, trong ăn nói, phát ngôn của người thầy phải hết sức chuẩn mực, cẩn thận. Một lời khi đã phát ra (văn nói, văn viết) thì người nói (viết) phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc, trước xã hội. Một người dạy văn mà có phát ngôn chưa đúng; bày tỏ hoài nghi vào cuộc sống, vào xã hội thì họ muốn gieo cái gì vào đầu học trò? Hay họ muốn gieo sự bi quan, chán nản, hoài nghi về cuộc sống cho lứa tuổi thanh niên? Hơn ai hết, người dạy văn phải thấu hiểu điều đó. Những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc, nhìn vấn đề một chiều trong bài thơ sẽ làm cho học sinh nghĩ như thế nào về người thầy hàng ngày dạy mình?
“Văn dĩ tải đạo” – không thể tách văn ra khỏi các vấn đề của xã hội. Văn tải niềm tin vào cuộc sống; tải điều hay lẽ phải; tải đối nhân xử thế và tải những ước mơ, khát vọng về những chân trời… Một người dạy văn mà bi quan, mà thiếu trách nhiệm khi phát ngôn “đất nước sẽ về đâu/ Anh không biết làm sao em biết được” thì học sinh còn biết đặt niềm tin vào ai?
Trước khi được vinh dự đứng trên bục giảng, thầy cô đã được trang bị cách sống, cách nhìn về con người, về xã hội. Nếu có những bức xúc trong cuộc sống thì đó là điều bình thường. Vấn đề đặt ra là chúng ta nói (viết) như thế nào để mọi người cùng nhận thức được vấn đề theo hướng suy nghĩ tích cực. Người dạy không cho phép mình nói, viết, làm điều ảnh hưởng tới nhận thức của học sinh.
Do đó, trước khi viết (nói) điều gì thì người dạy học không cho phép mình cẩu thả, thiếu suy nghĩ và phải luôn biết mình đang đứng ở đâu để những lời nói (viết) của mình luôn luôn chuẩn mực, làm gương cho học sinh noi theo…
ThS. Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên
Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Bình luận (0)