Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức Hội thảo “Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ nhưng thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Thời gian qua, trẻ mắc bệnh tự kỷ đã được can thiệp, điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau tại các trung tâm, gia đình như GD tâm lý, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động thông qua đó đã thành lập các mô hình can thiệp sớm. Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện chưa có một văn bản pháp luật nào công nhận người tự kỷ là người khuyết tật. Số trẻ được chẩn đoán tự kỷ ngày càng tăng, độ tuổi được chẩn đoán ngày càng nhỏ. Nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn, còn ở vùng sâu, vùng xa hoàn toàn không có.
Bà Hà cho rằng sự thiếu thốn cả về con người và trang thiết bị vật chất là một trong những khó khăn trong công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Trong những năm qua, các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ rất ít, nguồn nhân lực làm công tác xã hội còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa được đào tạo bài bản đối với việc chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Theo đó, bà Hà đề nghị Cục Bảo trợ xã hội và các cơ quan ban hành chính sách nghiên cứu, phối hợp với các cơ sở liên quan để nghiên cứu các chính sách cho nhóm đối tượng trẻ tự kỷ; phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH giám sát các cơ sở có chăm sóc trẻ em, quan tâm đến các trường dân tộc nội trú; triển khai Quyết định số 1438 về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Hiệp Thương – Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng, nghề công tác xã hội cũng đóng một phần quan trọng cho hỗ trợ trẻ tự kỷ và đặc biệt gia đình trẻ tự kỷ vượt qua những khó khăn thông qua các hoạt động thúc đẩy chính sách giúp trẻ và gia đình trẻ phát triển hài hòa đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn; đồng thời giúp nâng cao năng lực thúc đẩy khả năng tự giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Nho – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Quảng Ninh – đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT phối hợp để phổ cập tới toàn bộ giáo viên những kiến thức về trẻ tự kỷ. Đồng thời, các cơ quan truyền thông sẽ chung tay thay đổi nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ, có hiểu biết về trẻ tự kỷ, đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn của trẻ tự kỷ, tránh kỳ thị, phân biệt đối với trẻ tự kỷ. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần có những chính sách dành cho trẻ tự kỷ để các em có được những hỗ trợ của Nhà nước; bên cạnh đó là chính sách dạy nghề, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nhằm giúp các em phục hồi chức năng, có cơ hội tìm được những việc làm đơn giản phù hợp với khả năng để có thể tự lo cho cuộc sống của mình sau này.
P.V
Bình luận (0)